A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần có chế tài mạnh hơn để giải quyêt tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội

11:53 | 13/12/2014

Theo thông tin của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại Kỳ họp thứ 9, HĐND khóa VIII

Tính đến ngày 30-11-2014, tổng số nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh là 163 tỷ đồng, trong đó ngoài 49 tỷ đồng nợ chưa đến hạn trả (của các đơn vị có văn bản đóng BHXH theo quý, 6 tháng gồm các doanh nghiệp cao su, cà phê…) và 8 tỷ đồng nợ của các đơn vị phá sản, giải thể thì thực nợ của các đơn vị là 106 tỷ đồng (doanh nghiệp Nhà nước nợ khoảng 20 tỷ đồng, chiếm 19%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 50 tỷ đồng, chiếm 47% và các đơn vị hành chính sự nghiệp 36 tỷ đồng, chiếm 34%).

Nguyên nhân của tình trạng này ngoài lý do suy thoái kinh tế, sản xuất kinh doanh trì trệ thì chủ yếu là do ý thức của chủ sử dụng lao động trong việc chấp hành Luật Lao động chưa cao, chưa tự giác đóng tiền BHXH để bảo vệ quyền lợi của người lao động; các tổ chức công đoàn trong các đơn vị, doanh nghiệp chưa làm hết trách nhiệm trong việc giám sát chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về lao động. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT thấp, chưa đủ sức răn đe (mức phạt cao nhất chỉ 75 triệu đồng nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để chiếm đoạt tiền bảo hiểm của người lao động).

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH là
Công nhân đang thi công các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng ở Cụm công nghiệp Tân An (Ảnh minh họa) 

Để giải quyết tình trạng nợ BHXH của các doanh nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ kiên quyết xử phạt những đơn vị vi phạm, phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra và hoàn thiện thủ tục khởi kiện ra tòa đối với những đơn vị nợ kéo dài; chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc tính lãi chậm nộp BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp. Để bảo đảm thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị: đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật còn nợ tiền BHXH, BHYT, nếu có người lao động chuyển nơi làm việc thì cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH của người lao động đến thời điểm đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị mới, sau khi thu hồi được khoản nợ của doanh nghiệp thì xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH trên sổ của người lao động. Đối với những doanh nghiệp thực sự khó khăn nợ BHXH, BHYT, nếu lãnh đạo doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan BHXH cam kết trả đủ tiền nợ và thực hiện đóng trước BHXH, BHYT đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH thì Giám đốc BHXH tỉnh xem xét, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xác nhận thực trạng khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phải có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý các đơn vị cố tình dây dưa nợ BHXH, BHYT, cần đưa việc trốn đóng, nợ BHXH, BHYT thành tội danh trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Sở Tài chính chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí nguồn để chi trả lương và đóng BHXH cho khối hành chính sự nghiệp; tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trực thuộc tỉnh thực hiện nghĩa vụ BHXH; sớm cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp lâm nghiệp để tạo việc làm ổn định; ưu tiên bố trí trả nợ đối với những khoản nợ Nhà nước nợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp bớt khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ cho người lao động; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho nhân dân.

Đàm Thuần – Hồng Thủy

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ