A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bê bối rò rỉ dữ liệu khiến Facebook đối mặt thảm cảnh

08:49 | 21/03/2018

Điều gì sẽ xảy ra đối với lượng dữ liệu khổng lồ mà người dùng đăng tải trên mạng xã hội Facebook? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc Facebook sử dụng lượng dữ liệu đó?

Giá cổ phiếu Facebook giảm 7% trong hôm đầu tuần, làm bốc hơi 37 tỷ USD. (Nguồn: ABC).

Bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba  

Đó là những câu hỏi hiện đang gây sức ép nặng nề đối với Facebook sau khi họ dính phải vụ bê bối để cho một công ty của Anh truy cập dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản ở Mỹ trong lúc cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này đang diễn ra vào năm 2016. 

Vụ bê bối bắt đầu sau khi giới truyền thông Anh và tờ New York Times của Mỹ đưa tin rằng công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica cố gắng gây ảnh hưởng tới tâm lý bỏ phiếu của cử tri Mỹ bằng cách sử dụng nguồn thông tin mà họ lấy được từ hàng triệu tài khoản Facebook.

Theo lời giải thích của mình, Facebook cho hay họ đã cho phép Giáo sư tâm lý học Aleksandr Kogan của trường ĐH Cambridge thu thập thông tin từ những người dùng đã tải về ứng dụng của ông, có tên "Thisisyourdigitallife" (Đây là cuộc sống số của các bạn). 

Ứng dụng này đưa ra một bài thử nghiệm tính cách. Tuy nhiên, những người dùng Facebook đã tải ứng dụng này cũng mặc định cho phép vị Giáo sư nọ thu thập dữ liệu về địa điểm nơi họ ở, dữ liệu về bạn bè và các nội dung mà họ đã ấn nút "like".

Điều này đáng lẽ ra được xem trái phép do thu thập thông tin người dùng khi chưa được sự đồng ý của các nhân họ, nhưng theo các quy định của Facebook vào thời điểm đó thì việc này lại hợp lệ.

Tờ New York Times sau đó còn đưa tin rằng ông Kogan đã cung cấp lượng dữ liệu trên - bao gồm thông tin đến từ hơn 50 triệu tài khoản - cho Cambridge Analytica, điều chính thức vi phạm các quy định của Facebook. Hãng phân tích này vào thời điểm nhận được lượng dữ liệu trên, đang cố gắng phát triển một phương pháp kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng tới giới cử tri.

Như vậy, ông Kogan chỉ vi phạm chính sách của Facebook khi bán dữ liệu người dùng cho bên thứ ba, bao gồm Cambridge Analytica - hãng nghiên cứu dữ liệu do cựu trợ lý của Tổng thống Trump là ông Steve Bannon và nhà tài trợ Robert Mercer vận hành.

Facebook cho hay họ từng yêu cầu Cambridge Analytica xóa lượng dữ liệu trên trong năm 2015, nhưng chỉ mới vài ngày trước mới biết được rằng không phải toàn bộ lượng dữ liệu trên đã bị xóa. Phía Cambridge Analytica thì nói rằng lượng dữ liệu như tờ New York Times đưa tin không được họ sử dụng "như một phần của các dịch vụ cung cấp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump năm 2016".

Các thông tin được báo giới Anh và New York Times đăng tải dựa trên các bài phỏng vấn với cựu nhà thầu của Cambridge Analytica, Christopher Wylie, người tự nhận mình là một "người thổi còi".

Cambridge Analytica trong hôm đầu tuần này cũng chỉ trích kịch liệt việc một kênh truyền hình của Anh đưa tin rằng, cựu lãnh đạo của hãng phân tích trên, ông Alexander Nix đã hé lộ về việc hãng từng nhận tiền hối lộ và phân phối lượng dữ liệu thu được từ Facebook cho nhiều phe phái chính trị.

Giới lập pháp vào cuộc

Đến thời điểm này, Facebook vẫn không thể trả lời được những câu hỏi liên quan tới vai trò của họ đối với cuộc bầu cử Tổng thống mỹ năm 2016.

Người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, ban đầu còn tỏ ý hoài nghi về việc đứa con tinh thần của mình bị lợi dụng để gây ảnh hưởng tới tâm lý cử tri, nhưng hàng loạt các công bố mới trong vụ điều tra của FBI về khả năng Nga can thiệp bầu cử mới đây đã khiến cho công ty này có sự thay đổi quan điểm lớn.

Trong vài tháng qua, Facebook ra sức dập tắt các luồng thông tin giả mạo và giúp minh bạch hóa các đoạn quảng cáo mang tính chất chính trị.

Nhưng Zuckerberg vẫn còn cả tá câu hỏi để trả lời: Liệu Facebook có đủ tính minh bạch với người dùng về việc dữ liệu mà họ đăng tải bị sử dụng như thế nào? Facebook nên làm gì để quản lý việc có một bên thứ ba sử dụng thông tin trên nền tảng của họ?

Nhiều người chỉ ra rằng vấn đề nằm ở chính mô hình kinh doanh của Facebook - vốn dựa trên việc bán dữ liệu người dùng cho các nhà phát triển ứng dụng và nhà quảng cáo.

Trong mấy ngày qua, vụ bê bối này đã trở nên nghiêm trọng hết mức có thể, khiến cho giới lập pháp và các nhà quản lý phải nhập cuộc.

Chưởng lý bang Massachusetts (Mỹ), Maura Healey, cho hay văn phòng của bà đang mở một cuộc điều tra nhằm vào Facebook và Cambridge Analytica. Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh hiện cũng đang điều tra vụ việc, và cả Nghị viện của Liên minh châu Âu (EU) cũng nhập cuộc.

"Đây là một vụ việc lớn ngoài sức tưởng tượng... Mức độ vi phạm quyền riêng tư rất lớn" - Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, Jeff Flake, nhận định - "Câu hỏi ở đây là, ai đã biết về việc đó? Và khi nào họ biết nó? Điều này đã tiếp diễn trong bao lâu rồi?".

Vụ bê bối đã khiến cho giá cổ phiếu của Facebook sụt giảm tới gần 7% trong phiên giao dịch hôm đầu tuần này, khiến cho tổng giá trị của toàn công ty này giảm tới 37 tỷ USD.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện nay, các nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi Mark Zuckerberg đưa ra lời giải thích cho những hoạt động của Facebook.

Bà Amy Klobuchar, đảng viên Dân chủ làm việc tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh rằng "Zuckerberg cần phải tham gia điều trần". "Đây là một vụ rò rỉ thông tin lớn và cần phải được điều tra kỹ lưỡng", bà Klobuchar viết trên Twitter. "Rõ ràng là các nền tảng này không thể tự quản lý nổi".

Vụ bê bối lần này cũng có khả năng sẽ làm dấy lên hàng loạt lời kêu gọi phải áp đặt thêm các quy định mới nhằm vào các công ty công nghệ. Ngành công nghiệp này vốn đã phải đối mặt với khả năng bị quản lý chặt chẽ hơn ở châu Âu, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Hôm đầu tuần này, Facebook cho biết công ty Cambridge Analytica đã chấp thuận một cuộc kiểm tra dữ liệu trong các server và hệ thống của họ nhằm chứng minh rằng họ đã xóa bỏ lượng dữ liệu người dùng nhất định lấy từ Facebook.

Vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica còn có thể khiến nhiều người dùng từ bỏ Facebook. Mạng xã hội này được cho là ngày càng dễ bị thao túng bởi các tổ chức chính trị, chính phủ… và trong khi FBI đang điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, thì hóa ra chính Facebook mới là bên đáng ngờ nhất.

                                        Linh Chi

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ