A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Siết quy trình ra đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

10:34 | 28/11/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2017 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP).

Thí sinh tham gia thi VSTEP tại Học viện Ngân hàng tháng 8/2024. Ảnh: NTCC.

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Thông tư nhằm đảm bảo công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ được an toàn, tin cậy.

Hiện các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng phổ biến trong nhiều trường hợp ở Việt Nam, đơn cử khi xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào đại học và đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của các trường đại học… Ngoài các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã được thế giới công nhận như TOIEC, TOEFL, IELTS… thì Việt Nam đã ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, trên cơ sở ứng dụng khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh ở các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.

Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc được dùng làm tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức (về ngạch, bậc hoặc quy hoạch, bổ nhiệm) thay vì sử dụng các loại chứng chỉ A, B, C như trước. Đây là chứng chỉ tiếng Anh duy nhất của Việt Nam có trong danh mục chứng chỉ tiếng Anh được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ và được tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 với yêu cầu cần đạt từ bậc 3 trở lên.

Với số lượng lớn các cơ sở giáo dục và đào tạo được cấp phép tổ chức VSTEP, việc Bộ GDĐT ban hành quy định chặt chẽ về quy trình xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi thi giữa các đợt thi và tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các khâu của kỳ thi được các chuyên gia đánh giá là hợp lý và cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tổ chức VSTEP phải có đủ 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được được chốt tại thời điểm ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào ngày 31/1 của năm sau liền kề năm báo cáo. 5 tiêu chuẩn gồm: Tổ chức và quản trị, cơ sở vật chất, phần mềm tổ chức thi, trang thông tin điện tử phục vụ công tác tổ chức thi, đề thi, ngân hàng câu hỏi thi.

Điểm mới so với Thông tư hiện hành là chỉ quy định khung, các yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với các đơn vị tổ chức; không quy định chi tiết quy định và quy trình tổ chức thi.

Bộ GDĐT cũng quy định, nhân sự chuyên môn để thực hiện ra đề thi, chấm thi: phải có tối thiểu 30 người (đối với tiếng Anh và 20 người đối với các môn ngoại ngữ khác) có bằng thạc sĩ trở lên của một trong các ngành/chuyên ngành: ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục.

Bộ GDĐT cho phép các đơn vị tổ chức thi có thể liên kết với đơn vị khác tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nếu đơn vị liên kết đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Với việc này, các đơn vị có thể mở rộng hơn điểm tổ chức thi, thuận lợi cho thí sinh.

Đặc biệt, Dự thảo tăng thêm các quy định về giải pháp đảm bảo an toàn, tin cậy trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Đơn cử có thêm giải pháp để chống thi thay, thi hộ, ví dụ quy định các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.

Được biết, hiện nay lệ phí thi VSTEP khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng một lần thi, tùy nơi tổ chức. Với hình thức thi trên máy tính, thí sinh sẽ hoàn tất bài thi 4 kỹ năng trong một buổi thi duy nhất, tiết kiệm thời gian làm bài và có kết quả thi nhanh chóng, chính xác.

Thu Hương

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/siet-quy-trinh-ra-de-thi-danh-gia-nang-luc-ngoai-ngu-10295431.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ