A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khắc phục tính thụ động của học sinh trong dạy học Văn

13:23 | 03/11/2013

Dạy học Văn ở các trường phổ thông trong những năm gần đây đang từng bước đổi mới ở nhiều mặt, trong đó có việc đổi mới phương pháp giảng dạy với phương châm lấy người học làm trung tâm, là chủ thể của quá trình dạy học.

Tuy nhiên, tình trạng học sinh thụ động, thờ ơ, thậm chí là “chán” học Văn đang ngày càng phổ biến. Vì vậy, việc đưa ra những biện pháp khắc phục tình trạng này là điều rất quan trọng và cần thiết nhằm góp phần đưa chất lượng dạy và học môn Văn không ngừng được nâng cao.

Về phía người dạy: Để khắc phục tình trạng thụ động của học sinh trong mỗi giờ lên lớp, người giáo viên trước hết cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dùng những phương tiện trực quan để hỗ trợ quá trình dạy học: biện pháp này giúp cho bài giảng trở nên cụ thể, dễ hiểu, không mơ hồ, trừu tượng. Giáo viên nên sử dụng các phương tiện như: bảng biểu, sơ đồ, máy chiếu, phim ảnh tư liệu để hỗ trợ trong giảng dạy. Tuy nhiên, không nên lạm dụng chúng quá nhiều, bởi nếu dùng các phương tiện trực quan để thay thế bảng viết sẽ vừa tốn thời gian vừa không phát huy khả năng cảm thụ trong văn chương.

Tăng cường trao đổi, thảo luận nhóm và đa dạng hóa các phương pháp lên lớp: Khi cho học sinh hoạt động theo chủ đề hay thảo luận nhóm sẽ phát huy tinh thần tập thể, tăng cường khả năng tư duy, huy động mọi học sinh có thể tham gia vào quá trình học đồng thời tạo cơ hội cho mỗi học sinh có thể chia sẻ ý tưởng, tăng thêm cơ hội học tập lẫn nhau nhằm đem lại kết quả cao nhất. Ngoài ra, giáo viên cần đa dạng hóa các phương pháp lên lớp bằng cách có thể dẫn vào bài bằng một câu chuyện hay một tình huống có vấn đề nhằm tăng cường sự thu hút của học sinh, đồng thời minh họa bài giảng bằng các tình huống hoặc ví dụ cụ thể.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần thường xuyên thay đổi linh hoạt các kỹ thuật dạy học như: thuyết trình, thảo luận nhóm, chiếu phim văn học... Điều này sẽ kích thích nhu cầu, hứng thú học tập và tăng cường sự trao đổi, tương tác của người học. Đồng thời, giáo viên phải tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư cho chất lượng các bài giảng trước khi lên lớp, căn cứ vào từng tiết học, từng bài học cụ thể, giáo viên có thể vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau. Người dạy cũng cần xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với nội dung bài học và với từng đối tượng học sinh, câu hỏi không nên quá dễ, quá khó và phải mang tính gợi mở.

Giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp cần giao cho mỗi tổ, nhóm học sinh trong lớp một cuốn sổ theo dõi hoạt động học tập của các thành viên, trong đó có mục xây dựng phát biểu bài làm tiêu chí để đánh giá ý thức học tập của mỗi thành viên trong tổ; cuối mỗi tuần, mỗi tháng, trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm nên dành một thời gian cho công tác đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh dựa vào các tiêu chí trên.

Về phía người học: Để khắc phục tình trạng thụ động trong quá trình học Văn, trước hết cần thay đổi quan niệm về môn học. Cần tránh việc coi môn Văn như là môn khó học, khó hiểu hay là môn phụ. Thay vì có những quan niệm trên, mỗi học sinh cần xây dựng những phương pháp và kế hoạch học tập sao cho hiệu quả.

Trong quá trình học, để nắm được các kiến thức cơ bản của môn học, học sinh phải tăng cường kỹ năng đọc tác phẩm, không ngừng thu thập tài liệu, kết hợp với việc nghe giảng và ghi chép đầy đủ; hăng say phát biểu xây dựng bài, tự tin thể hiện ý kiến của bản thân trước tập thể… Cùng với đọc sách, học sinh cũng cần trau dồi kiến thức và tăng cường tính tự học như: tăng cường làm bài tập, giải quyết các câu hỏi có trong sách giáo khoa, soạn bài, tự thiết kế các loại đồ dùng trực quan đơn giản như vẽ sơ đồ, bảng biểu, thiết lập sơ đồ tư duy để khắc sâu các kiến thức đã học. Đồng thời, qua các kỳ kiểm tra, thi cử, người học cần phải rút ra được cho mình những kinh nghiệm trong việc học…

Về phía nhà trường: Cần tổ chức các câu lạc bộ, các chuyên đề, các buổi thảo luận, ngoại khóa để tăng cường khả năng tranh luận, khả năng giao tiếp, ứng xử của các em học sinh. Nhà trường cũng nên quan tâm mua sắm thêm các thiết bị phục vụ dạy học như: tranh ảnh, máy chiếu… tránh tình trạng chỉ học lý thuyết chung chung làm cho việc học không gắn với thực tiễn, dễ gây nhàm chán cho người học.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng thụ động của học sinh, tạo động cơ tích cực và đúng đắn trong dạy và học môn Văn ở nhà trường phổ thông, không chỉ ở người học mà người giáo viên cần phải có tâm huyết, lòng yêu nghề, dành nhiều thời gian và công sức để nâng cao trình độ chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Cao Nguyên

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ