A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục đại học và quyền tự chủ

16:37 | 23/05/2018

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung và dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi, bổ sung chuẩn bị được đưa ra, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, vấn đề đổi mới giáo dục và tăng cường tự chủ của giáo dục đại học được coi là then chốt.

Trong phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa.

Tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung và dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến. Những vấn đề đổi mới giáo dục nói chung và tăng cường tự chủ của GDĐH đặt ra những yêu cầu về sự đột phá cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục nói chung và thúc đẩy GDĐH phát triển. 

Trao thực quyền tự chủ đại học 

Theo đó, điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật GDĐH chính là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ ĐH. Đây là chính sách lớn nhất thể hiện trong Dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. 

Tự chủ ở đây bao gồm trong hoạt động chuyên môn: Các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, tự chủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo ở trong và ngoài nước; tự chủ trong hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học - công nghệ; Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự; Tự chủ tài chính, tài sản thể hiện ở quy định về nếu không sử dụng ngân sách, cơ sở GDĐH có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp. Để nâng cao hiệu quả tự chủ, cơ sở GDĐH phải công khai, minh bạch về các điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng thực tế trong các hoạt động; có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của mình về việc thực hiện các chuẩn chất lượng, thực hiện cam kết với người học và các bên liên quan.

TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, tạo ra sự tự chủ ĐH cũng là một cách thúc đẩy xã hội hóa công việc giáo dục đào tạo. Và đó cũng là yêu cầu mở, đặc điểm mở của hệ thống giáo dục, mục tiêu cao nhất phải là chất lượng. Tự chủ giáo dục là cần thiết, nhưng nhiều khi nhà nước lại vượt quá giới hạn cần thiết, bao cấp, ôm đồm và trực tiếp làm thay. Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở ĐH, CĐ. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục ĐH trưởng thành. 
    
Không tự chủ nửa vời 

Trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất là làm thế nào gỡ 2 nút thắt về  tự chủ nhân sự và tài chính, để giúp các trường ĐH công lập có cơ hội phát triển tốt hơn. 

Thời điểm hiện tại, việc áp dụng cơ chế tự chủ đã được triển khai tại 23 trường ĐH trên cả nước. Thế nhưng, đại diện nhiều trường cho biết, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định: Tự chủ hiện nay của các trường ĐH là tự chủ nửa vời. Tất cả các đầu tư công đều phải xin phép cơ quan chủ quản. Theo đó, ông Dũng đề nghị, trong thời gian tới Luật GDĐH cần quy định ngay cả trường ĐH công lập khi tự chủ thì nhà nước cũng chỉ quản lý khoảng 50%, phần còn lại phải chia cổ phiếu cho người lao động. Khi người lao động cảm nhận được mình là chủ của ngôi trường thì họ mới cố gắng phấn đấu và họ làm nhiều thì phải được hưởng nhiều. Tự chủ mà nửa vời thì không được!

Trong suốt quá trình góp ý cho dự thảo Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để quá trình tự chủ trong các trường ĐH thời gian tới được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu. 

Trong giai đoạn hiện nay, học phí được xem là giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí GDĐH. Vì thế, mức thu học phí cần được tính toán dựa trên chất lượng đào tạo nhưng phải đảm bảo bù đắp đáng kể cho các chi phí hoạt động của trường đại học. Về vấn đề tổ chức nhân sự, nhiều trường cho rằng Luật GDĐH sửa đổi cần có những cơ chế thoáng hơn để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giảng viên, cán bộ thì mới thu hút được nhân tài. Quan trọng nhất vẫn phải nâng cao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH áp dụng mô hình tự chủ.    

Cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập cũng có thể trở thành ĐH

Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi quy định hệ thống GDĐH gồm: ĐH, trường ĐH (bao gồm trường ĐH và học viện) với các tiêu chí đặc trưng: ĐH phải là cơ sở GDĐH đào tạo đa lĩnh vực, trong đó có đào tạo sau ĐH đến trình độ Tiến sĩ ở một số lĩnh vực thế mạnh; có cơ cấu linh hoạt bao gồm tổ hợp các trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên hoặc các trường chuyên ngành để phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khi hầu hết các trường ĐH lớn đều đang thuộc hai ĐHQG. Trong ĐH phải có trường đào tạo khoa học cơ bản để nghiên cứu đào tạo các kiến thức nền tảng cho các ngành khác theo xu hướng quốc tế; có khoa và một số đơn vị trực thuộc khác, đủ năng lực góp phần phát triển địa phương, vùng và đất nước…
Do đặc thù của Việt Nam, các ĐHQG được thành lập để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, phát triển thành một trong các cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu ở Việt Nam nên dự thảo Luật quy định ĐHQG là ĐH công lập thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về GDĐH, có quy chế tổ chức và hoạt động riêng do Chính phủ quy định.Các ĐH khác (bao gồm cả các ĐH đang thực hiện theo quy chế ĐH vùng) thực hiện theo mô hình chung của ĐH (bao gồm tổ hợp các trường ĐH thành viên hoặc các trường chuyên ngành). 
Với các quy định về ĐH như trên, các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập cũng có thể trở thành ĐH nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

 

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ