A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trường đại học không đủ năng lực đào tạo: Kiên quyết giảm chỉ tiêu tuyển sinh

08:35 | 24/05/2018

Bộ GD&ĐT vừa hoàn thành việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế tại một số trường đại học (ĐH), nhằm kiểm soát các nội dung thông tin đã kê khai và xác định điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của các trường.

Kết quả kiểm tra cho thấy, vẫn còn một số trường ĐH chưa đảm bảo yêu cầu về năng lực đào tạo. Theo đó, Bộ sẽ kiên quyết giảm chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường ngay trong năm 2018. 

Ảnh minh họa.

Nhiều điều kiện chưa đảm bảo

Việc kiểm tra nói trên bắt đầu từ ngày 3 đến 18/5. Bộ GD&ĐT kiểm tra tỷ lệ về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học/sinh viên (SV) theo quy mô dự kiến năm 2018 cho thấy, còn nhiều trường chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT (quy định là 2,8 m2/SV). Cụ thể như trường ĐH Tài chính - Marketing (diện tích sàn xây dựng/SV đạt 2,35 m2/SV); Trường ĐH Phan Châu Trinh (diện tích sàn xây dựng/SV đạt 2,3 m2/SV); Trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội (diện tích sàn xây dựng/SV đạt 0,97 m2/SV).

Cùng với đó, trên cơ sở xác định số lượng giảng viên quy đổi của từng khối ngành và đối chiếu với quy mô SV dự kiến năm 2018 mà các trường đã kê khai, các đoàn kiểm tra đã xác định được điều kiện đảm bảo về tỷ lệ SV trên giảng viên theo khối ngành của từng trường.

Qua kiểm tra, có một số trường chưa đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ SV/giảng viên đối với một số khối ngành đào tạo. Cụ thể, Trường ĐH Võ Trường Toản có 3 khối ngành là Khối ngành III, VI và Khối ngành VII; trong đó có Khối ngành VI tỷ lệ SV/giảng viên là 15,83 - quy định là 15. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có 5 khối ngành (chưa đào tạo khối ngành I và II); trong đó có Khối ngành VI tỷ lệ SV/giảng viên là 15,62 - quy định là 15; Khối ngành VII tỷ lệ SV/giảng viên là 28,81 - quy định là 25. Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng có 4 khối ngành là Khối ngành II, III, V và VII; trong đó có Khối ngành II tỷ lệ SV/giảng viên là 23,05 - quy định là 10; Khối ngành VII tỷ lệ SV/giảng viên là 31 - quy định là 25.

Với những trường chưa đảm bảo quy định về diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường phải đảm bảo có đủ diện tích hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018. Với những trường có khối ngành chưa đáp ứng về tỷ lệ SV/giảng viên, Bộ yêu cầu các trường tuyển dụng bổ sung giảng viên hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 để đảm bảo năng lực đào tạo theo quy định.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiểm tra việc công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo; theo dõi, hậu kiểm và tổ chức thanh tra (nếu thấy cần thiết) đối với những cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Bộ cũng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh và đào tạo của các trường, xử lý vi phạm nghiêm minh theo đúng quy định.

Minh bạch chất lượng

Trước đó ít lâu, Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH “ do Bộ GD&ĐT tổ chức, với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ các trường ĐH công lập và ngoài công lập đã là diễn đàn để các chuyên gia mổ xẻ gay gắt những bất cập, hạn chế liên quan đến chất lượng bậc giáo dục ĐH.

Liên quan vấn đề chất lượng, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng, Bộ GD&ĐT cần mạnh tay sửa chữa những sai lầm của quá khứ khi “đẻ” ra quá nhiều trường ĐH không đủ chuẩn. Về ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới sẽ ưu tiên điều chỉnh cơ chế chính sách trong quản lý giáo dục ĐH, rà soát lại mạng lưới và kiểm định chất lượng. Theo đó, trong cuộc cạnh tranh này, các trường ĐH không phân biệt công lập hay tư thục, phải công khai minh bạch chất lượng cho xã hội biết. Trăn trở trước vấn đề xã hội đang bức xúc về việc SV tốt nghiệp ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có rất nhiều lý do, nhưng rõ ràng nguyên nhân quan trọng vẫn bắt nguồn từ phía cơ sở đào tạo ra nguồn nhân lực bậc ĐH (phía cung). Theo đó, cần phải bàn bạc những thành tố nào tác động đến việc cải thiện chất lượng ĐH, phân công, phân diện rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan từ phía cung là các trường ĐH, đến phía cầu (là thị trường lao động); rồi phải bàn đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, của Bộ trưởng, của hiệu trưởng, của hội đồng trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, với tỉ lệ chỉ có gần 20% đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, còn phổ biến là thạc sĩ và ĐH là rất thấp. Với đội ngũ giảng viên mỏng, tỉ lệ chất lượng tiến sĩ còn thấp, tỉ lệ SV/giảng viên không tương xứng… thì lấy đâu ra chất lượng. 

Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, hiện có 3 vấn đề lớn của giáo dục ĐH được xã hội quan tâm gồm: Các giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm của SV tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Đổi mới quản trị ĐH để thực hiện hiệu quả tự chủ ĐH. Trong quá trình đổi mới chương trình, đừng quá câu nệ “hoài cổ” với những ngành truyền thống giờ không được xã hội cần nữa, bởi KHCN luôn thay đổi, tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì thế, các trường cần xác định những ngành nghề mà xã hội cần để tập trung vào đào tạo cho có chất lượng.     

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ