A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tác phẩm văn học: Bao nhiêu thì đủ?

09:28 | 11/06/2018

“Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận) là bài thơ được nhắc đến nhiều nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay. Nhiều học sinh cho biết họ đã chủ quan khi cho rằng bài thơ đã có ở đề thi năm ngoái rồi thì năm nay sẽ không lặp lại.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TPHCM năm 2017, câu 3- đề thi Văn, một trong hai sự lựa chọn có yêu cầu phân tích 2 khổ thơ trong bài “Đoàn thuyền đánh cá”, yêu cầu nêu cảm nhận về hai khổ thơ trích, từ đó liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương. 

Còn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TPHCM) diễn ra ngày 5-6-2018, câu 2- đề thi Văn yêu cầu phân tích bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” để làm rõ hình ảnh con người lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui; là cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên… 

Ngay sau khi kết thúc buổi thi, nhiều TS bước ra đã cho hay các em thực sự thấy bất ngờ khi đề thi năm nay lại tiếp tục ra về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Có TS đã bật khóc vì không làm được bài. Thậm chí theo chia sẻ của nhiều TS, ngay cả các thày cô giáo cũng chủ quan khi biết bài thơ này đã được ra từ năm ngoái nên đa phần thầy cô không tập trung ôn. Vì thế, những bạn nào bỏ qua tác phẩm này,  không xem lại đã không thể làm tốt.

Cô giáo Ngọc Mai (Trường THCS Định Công) nhận định đề thi Văn vào lớp 10 THPT năm nay rất hay nhưng cũng rất khó. Sẽ ít TS đạt điểm tuyệt đối. 

Vậy tại sao bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” lại thường xuyên được chọn vào đề thi THPT? Không riêng gì cô Mai mà rất nhiều giáo viên dạy Văn mà chúng tôi khảo sát đều lý giải rằng viết về đề tài lao động thì có lẽ bài “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những bài được yêu thích nhất, phản ánh không khí lao động sôi nổi của miền Bắc trong xây dựng hòa bình.

Câu chuyện chọn tác phẩm văn học trong đề thi Văn khiến cho nhiều người liên tưởng tới sự khu biệt trong việc chọn 6 tác phẩm văn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới (tổng thể). Rất nhiều ý kiến phản đối việc định lượng các tác phẩm văn học dạy cho học sinh trong nhà trường phổ thông. Theo phân tích, nếu chỉ với 6 tác phẩm bắt buộc, học sinh tìm đâu ra đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa diện của cuộc sống và hình ảnh con người với cả vẻ đẹp và nỗi đau? Làm sao có thể cảm nhận được giá trị của cuộc sống thông qua đời sống văn chương. 

Song phân tích của PGS.TS Phạm Quang Long đã cho thấy việc lựa chọn tác phẩm văn học có sự thiết thực với việc dạy- học và tổ chức thi. Ông cho rằng môn Ngữ văn trong chương trình GDPT mới có điểm không ổn nhất là những người soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành ra những phần tách bạch nên làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn. Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học. Còn về nguyên tắc, nhà giáo Phạm Quang Long cho rằng, nếu chỉ bắt buộc 6 tác phẩm còn lại do người viết sách và người dạy tự chọn, ắt sẽ gây khó khăn cho khâu tổ chức giảng dạy, đánh giá, thi cử. Cho dù ý định của chương trình là tạo thêm biên độ cho sự sáng tạo, nhưng đó là những ý tưởng mang tính logic hình thức hơn là những căn cứ thực tiễn.

Mới đây, tiếp thu những ý kiến góp ý của dư luận, ban soạn thảo chương trình môn Ngữ văn- chương trình GDPT mới cho biết đã có những điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc so với những lần công bố trước đây. Theo đó, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc như trước đó, lần điều chỉnh này đã bổ sung thêm nhiều nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc.

Như vậy, kho tàng văn học trong chương trình GDPT mới đang được kỳ vọng sẽ không còn bó hẹp. Nhưng trong “bể” văn chương rộng lớn ấy, rõ ràng là có biết bao tác phẩm cùng chủ đề để có thể khai thác để đưa vào đề thi, để tránh tình trạng nhiều năm liền đề thi vẫn loanh quanh trong 1-2 tác phẩm. Khiến chính những TS bước ra khỏi phòng thi có chung nhận định rằng: Đề thi Văn không có sự đổi mới, sáng tạo, thậm chí giáo điều… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến học sinh bao thế hệ sợ môn Văn, sợ thi Văn. 

Còn theo các chuyên gia dạy Văn, không quan trọng bao nhiêu tác phẩm, song cách ra đề thi thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được mục đích giảm tải chương trình Văn học hiện nay.    

Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ