A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lỗ hổng tư vấn học đường

15:28 | 11/06/2018

Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong nhà trường đang là một nhu cầu lớn. Hoạt động này sẽ giúp các em học sinh có kỹ năng, giải pháp ứng phó với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng tới quyền của trẻ em,...

....trong đó có quyền học tập và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, công tác này chưa được nhiều trường quan tâm đúng mức.

Ảnh minh họa.

Nhu cầu tư vấn tâm lý tăng 

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 2015), có hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau mỗi năm; 51,9% học sinh từng bị bạo lực trong 6 tháng (số liệu của UNESCO, 2016).

Ngoài vấn đề bạo lực, 8-29% trẻ em và vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần; hơn 93% học sinh, sinh viên gặp phải khó khăn cần được chia sẻ trong học tập và cuộc sống. Số học sinh bỏ học ở Tiểu học là 4%, ở Trung học cơ sở là 11,2% (số liệu của UNICEF năm 2016). 

Báo cáo của Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng chỉ rõ, trong các nhà trường hiện nay còn tồn tại một số vấn đề như: Học sinh bỏ học, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tiềm ẩn nguy cơ bạo lực, bắt nạt trong trường học...

Tuy nhiên, trong công tác hỗ trợ học sinh, hầu như các nhà trường chưa có cơ chế phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như chính quyền địa phương. 

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, hiện nay, trong hệ thống nhà trường, học sinh Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề nảy sinh. Song, dù nguồn lực ngoài xã hội, của cộng đồng là rất lớn nhưng chưa thể huy động được nguồn để giúp các nhà trường thực hiện công tác tư vấn hỗ trợ học sinh. 

Từ năm 2010, thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển nghề công tác xã hội, trên cả nước đã có 45/63 tỉnh, thành phố thành lập được các trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, 10 địa phương đã thành lập được trung tâm công tác xã hội cấp quận, huyện. Các trung tâm công tác xã hội này có trách nhiệm tư vấn cho tất cả các đối tượng có nhu cầu, trong đó học sinh, trường học là đối tượng được ưu tiên.

Tại một số địa phương, các Trung tâm công tác xã hội đã chủ động liên hệ với nhà trường để hỗ trợ triển khai công tác tư vấn hỗ trợ học sinh như tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa... Tuy nhiên, việc phối hợp của các Trung tâm công tác xã hội đối với các trường còn gặp nhiều khó khăn. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Các nhà trường đã và đang thực hiện các nội dung của công tác xã hội trường học, nhưng việc triển khai chưa đầy đủ và đúng theo nguyên tắc, quy trình, chức năng của công tác xã hội. Do đó, cần phải xây dựng một quy trình thực hiện bài bản, huy động được sự tham gia của nhiều lực lượng, nguồn lực trong và ngoài nhà trường cùng tham gia để đảm bảo các quyền trẻ em. 

Cần sự chuyên nghiệp

Chia sẻ về việc triển khai mô hình công tác xã hội trường học, ông Phan Như Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết: Tháng 6/2017, nhà trường đã thành lập phòng Công tác xã hội trường học nhằm can thiệp, hỗ trợ học sinh và phụ huynh.

Trải qua gần 1 năm hoạt động, các chuyên gia đã trực tiếp thực hiện nhiều đợt can thiệp, hỗ trợ học sinh có biểu hiện vô lễ với thầy, cô giáo, cha mẹ, lười học, yêu sớm, ham chơi... Những học sinh này sau khi được hỗ trợ có sự thay đổi về hành vi, thậm chí có những em thay đổi tích cực.  

Từ thực tiễn của nhà trường, ông Phan Như Hùng khuyến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành văn bản pháp lý về việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học. Mỗi trường phổ thông phải có phòng Công tác xã hội trường học mới có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề trong trường.

Bên cạnh đó, cần có nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp để hỗ trợ nhà trường tốt hơn, đội ngũ này cũng cần có biên chế, chế độ đãi ngộ xứng đáng. Các cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên phải được tập huấn về công tác xã hội trường học để hiểu rõ và ủng hộ phát triển hoạt động này trong trường học. 

Còn tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2015 - 2016, trong số hơn 900 trường phổ thông công lập thực hiện chương trình tham vấn học đường nhưng chỉ có hơn 100 giáo viên đúng chuyên ngành làm công tác này. Tại hầu hết các trường phổ thông, đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý là kiêm nhiệm, một số trường có giáo viên chuyên trách, tốt nghiệp các chuyên ngành tâm lý học hoặc công tác xã hội. 

Theo đó, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đánh giá, công việc tham vấn học đường hiện nay chưa được nhất quán, ngay từ tên gọi nơi thì giáo viên tư vấn, nơi thì giáo viên phụ trách công tác tham vấn học đường hay giáo viên tâm lý…  Trong đó, riêng đội ngũ làm công tác kiêm nhiệm đều chưa qua đào tạo chuyên môn, do vậy vấn đề cần quan tâm là bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.  

Về vấn đề này, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng giải pháp trước mắt là phối hợp, sử dụng nhân viên từ Trung tâm công tác xã hội cấp huyện và tỉnh.

Song song với đó, ngành Giáo dục tiến hành đào tạo giáo viên để kiêm nhiệm thực hành công tác xã hội; khuyến khích các cơ sở giáo dục tư nhân có nhân viên công tác xã hội hợp đồng. Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng các chương trình đào tạo cử nhân và chuyên sâu về công tác xã hội trong trường học để cung cấp đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp cho các nhà trường. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Cần đẩy mạnh vai trò của công tác xã hội để giải quyết các vấn đề khó khăn trong trường học, không chỉ tập trung hỗ trợ học sinh mà còn hỗ trợ phụ huynh, giáo viên vì hiện nay những vướng mắc liên quan đến giáo viên, phụ huynh... cũng ngày càng nhiều lên. 

Trước những yêu cầu từ thực tế, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31 hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Trong đó, các trường phải xây dựng Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh; thành phần Tổ tư vấn gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp. 

Thông tư cũng quy định, cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải có kinh nghiệm và được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai công tác tham vấn tâm lý hoạt động bài bản, hiệu quả hơn.

Thu Hà

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ