A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ đại học

09:44 | 13/06/2018

Đích đến của giáo dục đại học là nguồn nhân lực lao động phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trước thực tế với khoảng 200 ngàn sinh viên ra trường nhưng không tìm kiếm được việc làm,...

...nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi nào trường đại học được tự chủ trong đào tạo, chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra của mình, lúc đó mới có thể cân bằng nguồn nhân lực.

Sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

Trong buổi chiều 12/6, khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì vấn đề tự chủ đại học (ĐH) cũng được nhiều đại biểu đưa ra.

Không phải đến nay “tự chủ” của các trường ĐH mới được đề cập, mà vẫn đề đã được nêu lên từ hơn mười năm trước. Cho tới năm 2012, khi Luật Giáo dục ĐH ra đời, luật này được coi là đã đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho tự chủ ĐH, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ ĐH, giảm thiểu cơ chế hành chính trong quản lý giáo dục ĐH. 

Thế nhưng Luật Giáo dục ĐH 2012 lại chưa quy định rõ về quyền tự chủ, trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH khi thực hiện tự chủ dẫn đến tự chủ ĐH chưa đạt hiệu quả cao trong thực tế, hay nói thẳng là một sự “bỏ ngỏ”. Đó cũng là điều khiến đào tạo không gắn với nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học khiến chất lượng và kết quả đầu ra chưa phát huy được tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục ĐH.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với dự báo sẽ thay đổi cơ cấu ngành nghề, phương thức sử dụng lao động. Sự bùng nổ của các hình thức đào tạo từ xa tận dụng triệt để những lợi thế của khoa học công nghệ dẫn đến những thay đổi về quan điểm, tiêu chí về trường ĐH. Giáo dục ĐH ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu.

Do đó Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra các nhiệm vụ đối với giáo dục ĐH về quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH; chuẩn đầu ra; hoàn thiện mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục ĐH, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục ĐH; coi trọng quản lý chất lượng. Hay  như Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tiếp tục nêu rõ giáo dục ĐH phải thực hiện hiệu quả việc quy hoạch mạng lưới, Nhà nước tập trung đầu tư đối với các trường ĐH công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy  tự chủ ĐH được coi là “chìa khóa” để thúc đẩy sự tăng trưởng, nâng cao khả ứng dụng khoa học công nghệ. 

Quyền tự chủ là trọng tâm then chốt của việc sửa đổi Luật lần này. Nhưng mới đây, qua thẩm tra Dự án Luật Giáo dục ĐH, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục ĐH, đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Theo đó, cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục ĐH và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình. Đồng thời, quy định trong Dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý câ pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là về tổ chức - nhân sự, tài chính và tài sản.  

Nhưng tự chủ không chỉ là về tài chính mà còn đòi hỏi sự công bằng từ nhân sự, được lựa chọn người tài thay vì những mệnh lệnh hành chính. Gần đây nhất chính câu chuyện bổ nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen vì vướng những yêu cầu liên quan tới kinh nghiệm, thâm niên quản lý. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nên nhìn nhận vấn đề sao cho đúng và có phải đến lúc cần điều chỉnh nội dung Luật Giáo dục ĐH cho phù hợp hơn với thực tế hay không? Do đó, hôm qua (12-6) khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đã nhắc đến tự chủ ĐH như là một trọng tâm then chốt từ nhân sự cho đến tài chính để người học và người dạy tự do theo đuổi khoa học trong dạy và học để tạo ra trí thức mới. Hay nói nôm na chính là “dân chủ hóa giáo dục” để phát triển nguồn nhân lực gắn với kế hoạch kinh tế xã hội thay vì bị gò bó bởi cả một “rừng luật” từ luật ngân sách, đất đai, đầu tư công... Và theo ông, để tự chủ ĐH thực chất và đi vào cuộc sống, trước hết cần sự minh bạch phát triển giáo dục ĐH tư thục, giảm thiểu các trường công lập. Nhà nước chỉ đầu tư vào các trường công lập cần thiết, giải thể các trường yếu kém không cần thiết bằng việc quy hoạch lại mạng lưới giáo dục.

Còn GS Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhắc đến “tự chủ” là hồn cốt, là nền móng để tạo ra một nền giáo dục hiệu quả, phát huy trí tuệ của quá trình học và dạy học tạo một sân chơi bình đẳng. Do đó bà Lan đề nghị đổi mới quản trị ĐH, phân tầng các trường ĐH để quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH hiệu quả tránh mở quá nhiều trường trong khu vực hay đào tạo cùng một ngành nghề quá nhiều khiến dư thừa nhân lực, dự báo nhu cầu gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. “Tự chủ không có nghĩa tự lo, tự bơi mà gắn với trách nhiệm giải trình để hiệu quả hơn”- bà Lan nói.

Chỉ khi nào tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự đảm bảo để Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật; Chỉ khi nào được tự đứng trên đôi chân của mình, chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình đào tạo ra, các trường ĐH mới mang tính cạnh tranh. Một điều quan trọng trong tự chủ là được lựa chọn con người, thay vì một sự áp đặt mang nặng tính xin- cho can thiệp bằng những quyết định hành chính. Mà đó lại vẫn là “nút thắt” chưa dễ gì tháo gỡ.    

Hoài Vũ

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ