A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Không để trẻ quá khổ vì học

14:50 | 19/06/2018

Thực hiện cuốn chiếu từ năm 2019 ở mỗi cấp học, chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT mới - hay còn gọi là GDPT tổng thể) đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

 Tính từ thời điểm này, chỉ còn đúng 1 năm học nữa để ngành giáo dục có thời gian chuẩn bị cho việc triển khai áp dụng.

Thay đổi để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu.

Không thể như cũ

Việc thay đổi tư duy dạy và học được nhắc tới nhiều khi triển khai chương trình GDPT mới. Nhưng xem ra đây là yêu cầu không đơn giản. Đơn cử như với chương trình Tiếng Việt của học sinh tiểu học, mặc dù đã có bài văn mẫu cô hướng dẫn trên lớp, nhưng mỗi lần được yêu cầu làm lại bài, các em lại có những sáng tạo khác nhau. Chẳng hạn thay vì tả mẹ, nhiều em chuyển sang tả bố, tả ông bà…

Hay thay vì tả việc làm tốt là nhặt được của rơi trả người đánh mất, nhiều em lại chuyển sang tả việc giúp đỡ người ốm, người bị tai nạn giao thông… Mỗi lần các em sáng tạo đi xa bài văn mẫu như vậy, không ít giáo viên lại đưa ra nhận xét: Học sinh làm bài chưa đạt!

Sự “chưa đạt” ở đây được hiểu theo nghĩa là chưa đạt yêu cầu của giáo viên. Còn  thực chất mỗi bài tập làm văn thể hiện những cái nhìn hồn nhiên, trong sáng cũng như óc quan sát của một đứa trẻ đang làm quen với thế giới bên ngoài theo cách riêng của mỗi em.

Mặc dù rất nhiều phụ huynh đồng tình rằng việc viết văn dập khuôn, máy móc sẽ làm giảm tính sáng tạo, tư duy độc lập ở con trẻ, nhưng đa phần lại tặc lưỡi: Miễn là con có được kết quả học tập tốt, đạt yêu cầu của giáo viên!

Không khuyến khích sự sáng tạo của người học chính là hạn chế của phương pháp dạy và học trong nhà trường lâu nay. Sau 1 tháng tổ chức thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới tại 6 địa phương trên cả nước, đánh giá từ Ban Soạn thảo cho thấy vẫn còn nhiều giáo viên chưa quen với phương pháp giảng dạy mới, nếu như không muốn nói là việc thay đổi thói quen giảng dạy với họ là không đơn giản. 

Việc tập huấn cho giáo viên được xác định là vấn đề then chốt trước khi chương trình GDPT mới được triển khai. Nhưng cũng từ đợt thực nghiệm chương trình mới vừa rồi, áp lực về sĩ số cũng là một bài toán  đang đặt ra yêu cầu về cải thiện điều kiện dạy và học.

Đặc biệt là điều kiện làm việc cho giáo viên. Không nói ở đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, ở cấp tiểu học, việc có từ 60 học sinh/lớp trở lên là chuyện bình thường. Vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng trong khi chưa thể tăng lương cho giáo viên thì đừng bắt giáo viên dạy tới 60 học sinh/lớp.

Ở nước ngoài, mỗi lớp chỉ có từ 20 đến 25 học sinh. Theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT, sĩ số một lớp ở tiểu học không được quá 35 học sinh; còn ở bậc THCS không được quá 45 học sinh. Vậy mà bao lâu nay, nhiều địa phương vẫn để thầy trò làm việc trong điều kiện bất bình thường như vậy là không đúng.

Kiến thức học để phục vụ cuộc sống 

Trước những lo lắng về việc dạy và học tích hợp liệu có làm ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu bài của học sinh, cũng như quá trình thi cử, GS Đỗ Đức Thái- Tổng chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình GDPT mới chia sẻ, lâu nay con em chúng ta quá khổ vì học.

Minh chứng cho cái sự “khổ” vì học, GS Thái nêu ví dụ về những học sinh học lớp 9 cuối cấp THCS, ngày nào cũng phải học bài đến 12 giờ đêm, giải những bài toán với yêu cầu cách làm rất lắt léo… 

Theo đó, triết lý mới về dạy học toán trong chương trình mới đầu tiên là phải tinh giảm, chỉ đưa vào những gì cốt lõi nhất, thiết thực nhất. Toán học phải cho mọi người và mọi người đều có quyền tiếp cận với toán học, để dùng toán học như một công cụ phục vụ cuộc sống.

Chương trình toán phải hiện đại, sáng tạo, khuyến khích được sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của người học. Vì thế môn toán trong chương trình mới không phải là để đào tạo người đi thi học sinh giỏi, đào tạo ra giáo sư toán học mà là phải phục vụ cho hàng triệu học sinh mỗi lứa, phải tạo ra phương tiện để người học có thể sử dụng phương tiện đó phục vụ cho cuộc sống suốt cả đời.

Trong quá trình học toán, học sinh sẽ không còn phải trả lời câu hỏi học cái gì ở trong toán hay chứng minh nó bằng cách nào... mà cái quan trọng hướng tới là cuộc sống đòi hỏi cái gì, chắt lọc nó vào toán học để phục vụ cuộc sống.

Tương tự như vậy, chương trình GDPT mới cũng sẽ chấm dứt tình trạng 100 bài văn giống hệt nhau. PGS Đỗ Ngọc Thống- Tổng chủ biên môn Ngữ văn cho biết, tính chất của môn học này sẽ được xác định lại, coi đây trước hết là môn học công cụ, trang bị cho học sinh kỹ năng  đọc, viết, nghe, nói để học tốt các môn học khác; giúp học sinh giao tiếp để phục vụ cuộc sống hằng ngày; kỹ năng đọc hiểu tốt để học suốt đời... Bên cạnh đó, môn văn còn có tính chất thẩm mỹ, tính chất nhân văn...

Vì thế môn Văn sẽ xây dựng theo hướng mở. Nếu như hiện nay quy định đến từng bài, dạy tác phẩm nào, văn bản nào... thì tới đây sẽ chỉ quy định một số tác phẩm lớn không thể không dạy, ví dụ “Bài thơ thần” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du…

Còn lại Ban soạn thảo chỉ gợi ý một danh sách để các tác giả sách giáo khoa và các thầy cô giáo có thể lấy một văn bản trong hoặc ngoài gợi ý đó để dạy, miễn là đạt được yêu cầu đặt ra. Tốt nghiệp THPT, học sinh phải biết một số tác phẩm tiêu biểu của dân tộc nhưng vẫn còn nhiều thời lượng trong chương trình để giáo viên và học sinh có thể chọn những tác phẩm đương đại phù hợp với sở thích, tâm lý lứa tuổi của các em.

Thời điểm này, việc biên soạn SGK cho chương trình GDPT mới vẫn đang chờ thẩm định chương trình môn học. Được biết, Nghị quyết số 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT nên hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia công việc này.

Một số đơn vị đã tiến hành nghiên cứu mô hình SGK của nước ngoài và biên soạn thử một số bản thảo. Những sự chuẩn bị, tập dượt đó nhằm sau khi chương trình mới được thông qua có thể bắt tay vào việc ngay.

Minh Quang 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ