A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đề địa lý sẽ có nhiều điểm 9, 10

13:46 | 27/06/2018

Các giáo viên tại TP HCM dự đoán về phổ điểm thi môn sử, địa lý, giáo dục công dân trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội kỳ thi THPT quốc gia.

Các thí sinh dự thi THPT quốc gia tại TP HCM Ảnh: KIM ANH

Môn lịch sử khó có điểm cao?

Cô Phạm Thị Hoài Thương, Tổ trưởng chuyên môn tổ lịch sử Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), nhận xét đề thi giống với đề minh hoạ mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, các câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh, không vượt quá kiến thức phổ thông.

Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, theo mức độ biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.

Khoảng 20 câu đầu là câu hỏi cơ bản, dành cho học sinh trung bình với việc nắm chắc kiến thức cơ bản có thể xử lý tốt, sau đó là các câu hỏi có sự tăng lên và độ khó, yêu cầu học sinh phải có sự tổng hợp kiến thức để giải quyết.

Nhìn chung, đề thi có sự phân loại tốt, điểm trung bình học sinh có thể đạt được từ 5-6 điểm. Học sinh khá giỏi phổ điểm sẽ dao động từ 7-8 điểm. Học sinh bảo đảm xét tốt nghiệp nhưng điểm cao sẽ không nhiều.

Phụ huynh xem đề thi cùng con sau khi kết thúc bài thi tổ hợp khoa học xã hội tại HĐT Ten Lơ Man Ảnh: TẤN THẠNH

Môn địa lý: Số điểm 10 nhiều như năm ngoái

Nhận xét về đề địa lý (mã đề 302), thầy Nguyễn Đình Tình, Trường THPT Vĩnh Viễn THPCM, cho biết đề sát với cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT. 

Trong đó, địa lý 11 có 8 câu, có 2 câu thuộc phần thực hành là câu 55 (thực hành kỹ năng với bảng số liệu) và câu 67 (làm việc với biểu đồ). 

Phần thực hành kỹ năng có 15 câu, trong đó 11 câu sử dụng Atlat địa lý Việt Nam, 2 câu thực hành kỹ năng với bảng số liệu, 2 câu thực hành kỹ năng với biểu đồ. Tuy nhiên, những câu hỏi ở phần thực hành chỉ dừng ở mức độ biết và hiểu, tính vận dụng những kỹ năng tính toán cơ bản vẫn chưa cao.

Đề thi bao quát được chương trình địa lý lớp 12 và những vấn đề cơ bản của địa lý lớp 11. Mức độ phân hóa của đề thi năm nay so với năm trước vẫn chưa cao, các câu khó của đề thi tập trung ở 10 câu cuối. Tuy nhiên, các em học lực khá đều có thể làm được. 

Một số câu của đề thi phản ánh những vấn đề mang tính thời sự như câu 69 (tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL); câu 68 (nói về kinh tế biển đảo). Do mức độ phân hóa của đề thi không cao, dự đoán số thí sinh đạt điểm 10 không giảm so với năm trước, học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm, học sinh khá giỏi có thể đạt từ 7-9 điểm. 

Ảnh: KIM ANH

Môn giáo dục công dân phổ điểm 7-8 sẽ nhiều

Cô Vũ Thùy Anh, Tổ trưởng chuyên môn giáo dục công dân, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) cho biết so với đề năm ngoái, đề thi giáo dục công dân năm nay hay hơn. Đề cũng vừa sức với học sinh, bám sát chương trình ôn tập và đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT và chương trình ôn tập lớp 11, 12.

Đề thi cũng đòi hỏi thí sinh phải suy luận mới có thể đạt điểm 9,10.

So với đề thi năm 2017, đề năm nay có nhiều câu hỏi liên quan đến tình huống thực tiễn. Mức độ khó dễ của đề cũng phân bố đều ở chương trình lớp 11, 12. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20% tập trung ở 5 bài đầu lớp 11. Với đề thi này, phổ điểm 7-8 điểm sẽ nhiều.

Cô Thùy Anh cho rằng đề thi năm 2017 quá dễ, trong khi đề năm nay có rất nhiều câu hỏi thực tiễn, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy luận, đọc kỹ đề thi và kỹ năng làm bài mới giải quyết được. Với học sinh trung bình sẽ đạt phổ điểm từ 6-7 điểm.

ĐẶNG TRINH

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ