A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điểm chuẩn thấp: Khó kỳ vọng chất lượng đào tạo

10:07 | 17/07/2018

Điểm chuẩn của nhiều trường ĐH năm nay sẽ giảm, thậm chí các trường “top” đầu cũng có thể giảm mạnh từ 1- 3 điểm.

Trước những lo lắng về việc hạ điểm chuẩn của không ít trường cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Giáo dục (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Những trường nào lấy dưới 15 điểm thì chất lượng đầu vào đã bị ảnh hưởng, và điểm chuẩn càng thấp thì càng bị ảnh hưởng lớn. Còn khi các trường hạ thấp đến mức dưới 12 điểm thì không thể chấp nhận được.

Điểm chuẩn hạ, nhưng cũng phải lựa nguyện vọng

TS Bùi Đức Triệu phân tích: Nhìn chung các trường top đầu mà năm ngoái có điểm chuẩn khá cao, khoảng 23 đến 24 điểm trở lên thì năm nay ít nhất sẽ giảm 1 từ 3 điểm tùy theo từng ngành. Ngay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dự kiến điểm chuẩn cũng sẽ giảm. Đối với các trường top giữa hoặc top dưới điểm chuẩn có thể sẽ giảm ít hơn. Năm nay với các bạn thí sinh đạt từ 20 đến 23 điểm thì có thể yên tâm nộp vào trường top cao. Tuy nhiên, các em phải rải các nguyện vọng của mình thành 3 nhóm: Cao; ngang bằng và thấp hơn thì lúc đó xác suất đỗ mới cao. Nếu các em chỉ tập trung vào những ngành “hot” có thể sẽ bị trượt. Với những thí sinh đạt 15 đến 20 điểm thì yên tâm nộp vào trường top giữa. Nhưng các em cũng nên mạnh dạn đăng ký cho mình từ 1 đến 2 nguyện vọng vào các trường top cao nhưng có mức điểm điểm thấp.

Thời điểm các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng chính thức là ngày 19-7 tới đây. Do đó, TS Bùi Đức Triệu đưa lời khuyên việc điều chỉnh nguyện vọng các thí sinh  phải căn cứ vào tương quan điểm của mình với phổ điểm chung. Nếu các em dùng điểm của năm nay so với năm ngoái thì sẽ thiếu tự tin khi điều chỉnh nguyện vọng.

Trước những băn khoăn về tình trạng tuyển sinh “vơ bèo vạt tép”, hạ điểm chuẩn vào trường ĐH xuống quá thấp, TS Bùi Đức Triệu cho hay việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của các trường.

Ít nhất 17 điểm thí sinh mới có cơ hội vào học trường ĐH Sư phạm

Chiều 16/7, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố ngưỡng điểm xét tuyển (điểm sàn) với khối ngành Sư phạm 2018. Theo đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào ĐH đối với thí sinh THPT quốc gia: 17,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi; Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào CĐ đối với thí sinh THPT quốc gia: 15,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi; Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào trung cấp đối với thí sinh THPT quốc gia: 13,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Như vậy, muốn vào các trường ĐH sư phạm, thí sinh phải đạt ít nhất là 17 điểm. Trước đó, tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 được tổ chức ngày 15-7 tại Hà Nội, nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng băn khoăn với việc họ đạt 20,95 và 22,2 điểm có trúng tuyển vào sư phạm hay không.

Theo số liệu thống kê xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên, điểm trúng tuyển trung bình là 27,75. Có 158 ngành lấy điểm xét tuyển 20-25, điểm trúng tuyển trung bình là 23,35. Số lượng ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm là 302, điểm trúng tuyển trung bình là 20. Đặc biệt, có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới 15,5, song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5.

Ở mùa tuyển sinh 2017, trước thực trạng điểm đầu vào quá thấp của một số ĐH sư phạm vùng, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương năm 2018 không còn điểm sàn xét tuyển ĐH, nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ quy định riêng.

Nguyên nhân thực trạng này được đại diện các trường phân tích là quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, số lượng trường sư phạm hiện vượt quá nhu cầu thực tế. Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên hiện chưa tốt như: vào biên chế khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn. Nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Những nguyên nhân đó khiến sư phạm khó cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo viên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không cho phép tuyển sinh. Những ngành đủ điểu kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng sẽ được ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.    

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ