A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ám ảnh tiền trường

08:48 | 09/08/2018

Bước vào đầu năm học mới, sau khi tạm gác lại nỗi lo về chọn trường, chọn lớp thì các bậc phụ huynh lại phải đối mặt với nỗi lo đến từ tiền trường …

Ảnh minh họa.

Cùng chung nỗi lo

Chia sẻ về nỗi lo tiền trường trước thềm năm học mới, anh Trần Văn Tuấn (ở khu tập thể ĐH Y, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 lo lắng về các khoản tiền trường đầu năm học: “Mới vào đầu năm học mà chi phí cho con tốn kém quá, với các khoản tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng, mũ dép… Biết bao nhiêu khoản phải chi tiêu, đã vậy Ban phụ huynh lớp cũng đang “rục rịch” hô hào phụ huynh đóng góp thêm tiền mua điều hòa, máy chiếu, trang trí lớp học... Biết là con vào đầu cấp sẽ tốn kém. Đang lo tiền lương tháng này có đủ tiền đóng cho con không”.

Theo các phụ huynh có con học tại các trường công lập ở Hà Nội, trừ các khoản tiền thu theo học kỳ, năm học như: Học phí (đã tăng so với năm trước), Bảo hiểm thân thể, Bảo hiểm y tế, quỹ đội, đoàn, cơ sở vật chất bán trú (nếu học bán trú), quỹ ban phụ huynh...

Hàng tháng, tùy từng trường hợp, các bậc phụ huynh còn phải đóng các khoản tiền học như: Học 2 buổi/ngày 150.000đồng/tháng; chăm sóc bán trú 150.000đồng/tháng; nước uống 12.000đồng/tháng; sổ liên lạc điện tử 30-40.000 đồng/tháng. Tiền học thêm buổi chiều (bậc THCS, THPT), tiền học Tiếng Anh, năng khiếu, kỹ năng sống... khiến phụ huynh “ù tai”.

Thời gian qua, nhất là vào thời điểm đầu năm học mới, đã có không ít trường công lập ở Hà Nội gây bức xúc về các khoản thu “tự nguyện” như: Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải trả lại hơn 500 triệu đồng cho phụ huynh vì các khoản thu sai. Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) đã trả lại phụ huynh tiền điều hòa 1 triệu đồng...

Cấm có triệt để?

UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa BĐD Cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Theo đó, Công văn số 3464/UBND-KGVX về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2018 - 2019 của UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD-ĐT, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB-XH, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tuyệt đối cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Trước đó, quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD- ĐT nêu rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp thực hiện việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD-ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

Cùng với đó, trước thềm năm học mới, TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Sở GD- ĐT chỉ đạo công khai mức thu học phí. Theo đó, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2018 – 2019, áp dụng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng/học sinh; địa bàn nông thôn 75.000 đồng/tháng/học sinh; địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/tháng/học sinh.

Sở cũng được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2019 - 2020 và các năm tiếp theo theo nguyên tắc học phí hàng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định; đến năm học 2020 - 2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.

Những chỉ đạo của thành phố, của Sở GD- ĐT trước thềm năm học mới 2018 vẫn không làm cho người dân bớt lo lắng.

TP Hồ Chí Minh không tăng học phí năm học 2018-2019

Ngày 8/8, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có văn bản chấp nhận đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về việc giữ nguyên mức học phí năm học 2018-2019 như năm học 2017-2018. Quy định miễn học phí cho học sinh hệ chuyên trong các trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên vẫn tiếp tục được duy trì như các năm trước.

Riêng với khoản thu trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế được thực hiện theo Quyết định 3968 của UBND TP, các khoản thu khác (tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, môn tự chọn, tổ chức phục vụ bán trú…) và các khoản thu hộ, chi hộ vẫn được thực hiện như các năm học trước. 

Được biết, năm học 2018-2019, toàn TP.Hồ Chí Minh tăng hơn 67.000 học sinh. Lam Hồng

    Minh Thúy

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ