A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những chiêu trò tuyển sinh không lành mạnh

09:38 | 09/08/2018

Kì thi tuyển sinh 10 năm học 2018 - 2019 vừa qua cho thấy một bức tranh trái ngược nhau.

Có một số nơi, thí sinh phải cạnh tranh gay gắt để được vào trường công lập, thì ngược lại có những địa phương khan hiếm học sinh, nhất là những học sinh có học lực khá giỏi.

Chính vì thế, nhiều trường THPT đã có kế hoạch “chiêu hiền, đãi sĩ” rất chu đáo bằng cách tạo mối quan hệ tốt với các trường THCS, săn sóc đặc biệt những em khá giỏi, nhất là những em nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp huyện, cấp tỉnh nhằm thu hút các em thi và học ở trường mình.

Quê tôi là huyện khó khăn ở ĐBSCL, nhưng có tới 6 trường THPT công lập, 1 trường dân lập và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - dạy nghề. Nhiều trường THPT là vậy nhưng các trường THCS thường có cơ cấu rất nhỏ do thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình nhiều năm qua.

Đa số là trường loại II - III nên chỉ có hơn 10 lớp học mà lớp 9 thì phần nhiều dao động chỉ trên dưới 100 học sinh/cả khối. Các trường luôn đầu tư trọng điểm vào khâu mũi nhọn là nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó cạnh tranh gay gắt nhất là thứ hạng, số lượng học sinh giỏi, học sinh thi THPT quốc gia có nhiều em đạt điểm cao để tạo uy tín.

Tuy nhiên, ông bà ta xưa có câu “Có bột mới gột nên hồ”, dù cho thầy có giỏi mà trò không giỏi, đầu vào không cao thì đào tạo rất lâu cũng khó đạt được mục đích. Chính vì thế một số Ban giám hiệu nhà trường THPT đã không tiếc công, tiếc của để kéo những em lớp 9 có học lực giỏi về trường mình.

Thời điểm học sinh các trường THCS thi học sinh giỏi là dịp các trường THPT "ra tay". Các thầy đến tận trường tiễn chân các em bằng một tình cảm rất chân thành, rồi không quên đặt vào tay mỗi em một phong bì để “uống nước”. Khi các em đạt giải thì các trường THPT thưởng tiền, quà để “động viên tinh thần”.

Trước khi các em học sinh lớp 9 làm hồ sơ thi thì các thầy cô THPT lại xuống tư vấn và đưa ra rất nhiều ưu đãi như miễn học phí, tặng tiền cho những em đạt giải học sinh giỏi thi vào trường mình, cho những em đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh 10, rồi miễn, giảm tiền học thêm… Nhưng sự đãi ngộ quá mức đã cho thấy rất nhiều những bất cập chỉ những người trong cuộc mới rõ.

Thứ nhất, việc các trường THPT hàng năm phân công giáo viên thân chinh rải đi các trường THCS để tìm “hạt giống đỏ” cho thấy sự lãng phí quá nhiều về quy mô trường lớp của địa phương. Tại sao chỉ là 1 huyện nhỏ mà có tới 8 trường THPT?

Mỗi nhà trường là một khuôn viên, một Ban giám hiệu và các chức danh phải đầy đủ. Cơ sở vật chất đầu tư hàng chục tỉ đồng. Như vậy, ngân sách không chỉ tốn kém về việc đầu tư cơ sở vật chất mà còn tốn rất nhiều tiền trả lương.

Thứ hai, khi quá nhiều trường THPT mà bán kính các trường quá gần nhau sẽ tạo sự cạnh tranh không tốt. Trường nào cũng “tạo điều kiện” cho học sinh khá giỏi cấp dưới vào trường mình, khiến cho học trò “đỏng đảnh”. Ai đời các thầy cô lại đi chèo kéo, sử dụng các chiêu trò, tạo ra tấm gương xấu trước học trò.

Thứ ba, các trường thường đầu tư trọng điểm để một số học sinh đạt được giải cao trong thi cử để làm “mồi nhử” cho các lớp học trò khóa sau khiến học sinh và giáo viên luôn phải lao vào vòng xoáy thành tích để việc “luyện gà chọi”. Mục đích tập trung cho một số lớp, một số em có khả năng phát triển. Những em còn lại như “con rơi, coi vãi” phải è cổ đóng các khoản tiền “tự nguyện” để “nuôi” thành tích bề nổi của trường.

Nên chăng cơ cấu lại hệ thống các trường cùng cấp học trên địa bàn. Việc hợp nhất các trường không chỉ giảm chi phí mà sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, quan trọng hơn là hướng học sinh học tập đúng vào địa bàn. Nếu không, sự lãng phí và tiêu cực sẽ luôn xảy ra.

KHÁNH VĂN

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ