A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lo quá đầu vào…

16:37 | 09/08/2018

Điểm số của những thí sinh hàng thủ khoa vào các trường thuộc khối quân đội, công an mùa tuyển sinh ĐH 2018 hiện đang là mối quan tâm của xã hội.

Âu cũng bởi sau hàng loạt lùm xùm điểm thi tốt nghiệp THPT 2018 bị phát hiện, chính những địa phương mắc sai phạm, bị xử lý lại có nhiều thí sinh đạt thủ khoa nhất.

Đề thi năm 2018 được đánh giá là khó, thậm chí rất khó để phân loại thí sinh. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều băn khoăn, thậm chí lo lắng đã được đặt ra là trước kết quả tuyển sinh đầu vào ĐH năm 2018, các trường có tổ chức “sàng lọc” lại thí sinh hay không?

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường vẫn khẳng định, sẽ không có một bài kiểm tra đầu vào nào cả mà chính quá trình học là sự “sàng lọc”. Nếu có những thí sinh kém chất lượng đã “chui lọt”, thì trong quá trình học họ sẽ bị đào thải. 

Những lý giải ấy chưa thể làm yên lòng dư luận. Bởi việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” với những mục tiêu đặt ra rất cụ thể. Đề thi năm 2018  được đánh giá là khó, thậm chí rất khó để phân loại thí sinh. Có những thí sinh chỉ có thể đạt được yêu cầu đỗ tốt nghiệp; những thí sinh thật khá, thật xuất sắc mới đỗ ĐH. Và cũng tùy lực học mới có thể vào học những trường thuộc các “top” đúng năng lực. Vậy mà trước một kỳ thi có quá nhiều biến động, trước vô số những nghi vấn về điểm số, song việc đánh giá lại đầu vào không được quan tâm đúng mức, e sẽ chưa thực sự công bằng với những thí sinh học thật- thi thật.

Nhưng đó mới là một phần của bức tranh tuyển sinh. Năm 2018, điểm chuẩn vào các trường ĐH giảm sâu cũng đang đặt ra những trăn trở không nhỏ trước chất lượng đầu vào thấp.Cho dù các phân tích đã chỉ ra là điểm chuẩn là do giảm chung, nhưng nhiều người vẫn không khỏi nghi ngại vì khi điểm chuẩn giảm sâu quá, có ai bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực của một khóa đào tạo sau 4-5 năm nữa sẽ ra sao? Chẳng hạn có những trường ĐH công lập, thí sinh chỉ đạt 14 điểm đã đỗ. Nhìn bảng điểm chuẩn năm 2018, chính phụ huynh các em đã phải thốt lên: Học ĐH nói chung cũng nên lấy điểm trung bình từ 6,5 trở lên hoặc thấp nhất cũng phải 19 điểm. Đỗ đại học giờ sao mà đơn giản vậy? Câu hỏi này có lẽ xin gửi tới các cơ sở đào tạo.

Nhân chuyện tuyển sinh, lại bàn về ngành và nghề, nghề và nghiệp trong xã hội. Bởi xưa nay nghề giáo viên và nghề y- một nghề dạy người, một nghề cứu người, thời nào cũng vẫn là những nghề không thể thiếu. Ấy vậy mà trong suốt một thời gian dài, chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo sư phạm rất thấp. Đỉnh điểm là mùa tuyển sinh 2017, có những cơ sở đào tạo sư phạm lấy điểm trúng tuyển chỉ 10 điểm/3 môn thi.

Và thực trạng tuyển sinh sư phạm năm 2017 cũng chính là giọt nước tràn ly,  khiến mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD- ĐT phải điều chỉnh cơ chế tuyển sinh sư phạm. Theo đó, thí sinh thi sư phạm phải đạt 17 điểm mới đỗ vào hệ đào tạo ĐH. Trước mức điểm này, các trường sư phạm có tuyển đủ chỉ tiêu hay không? Đây lại là một câu chuyện khác. 

Rồi trước khi điểm chuẩn 2018 được công bố chính thức, khối các trường Y - Dược dự báo điểm chuẩn giảm 3-4 điểm so với năm 2017. Nhưng thực tế cho thấy mức trúng tuyển đã giảm sâu 5-6 điểm. GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử -Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ rằng: Nguồn nhân lực kém chất lượng sẽ làm hỏng nhiều thế hệ. 

Đây có lẽ cũng là tâm tư của nhiều người quan tâm đến nguồn nhân lực đất nước trong tương lai. Vì nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây, khối ngành công an, quân đội luôn là những ngành “hot”, thu hút nhiều thí sinh làm hồ sơ dự tuyển. Điểm đầu vào hàng năm của khối các trường này cũng rất cao so với mặt bằng điểm chuẩn chung.

Vậy mà có một nghịch lý, đến mùa tuyển sinh 2018 đã được nhìn thấy rõ là thí sinh các tỉnh miền núi phía Bắc đạt điểm cao/đỗ thủ khoa vào khối những trường này cao hơn hẳn thí sinh ở các địa phương khác, thậm chí là những địa phương được coi là “đất học” truyền thống.

Các thống kê điểm thi cho thấy tỉnh Lạng Sơn có số thí sinh đỗ vào Học viện An ninh nhiều nhất. Trong đó có tới 28/35 chiến sĩ cơ động trong danh sách từng được dư luận chú ý - đã trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân và Học viện An ninh nhân dân.  Đây chẳng phải là điều đáng lưu tâm hay sao?

Tổng kết năm học 2016- 2017, câu chuyện về hiện tượng “sốt” thí sinh dự tuyển trường quân đội, công an thực sự được quan tâm trên bàn nghị sự. Đại diện một số trường ĐH lý giải, nhiều thí sinh muốn vào trường công an, quân đội bởi chính sách thu hút như học phí, phụ cấp, ra trường có việc làm, chứ không phải vì đam mê.

Theo ông Lương Công Nhớ- Hiệu trưởng ĐH Hàng Hải, đây là điều đáng lo ngại khi gây mất cân bằng ngành nghề, bởi ngoài lực lượng công an, quân đội còn nhiều những ngành khác cần thí sinh có năng lực, trí tuệ…

Cho dù vẫn có những quan điểm cho rằng thí sinh đổ xô vào khối trường công an, quân đội là do quy luật cung cầu của thị trường đào tạo. Nhưng không thể bỏ qua hiện tượng tuyển sinh năm 2018. Trước mắt cần xem lại chính sách tuyển sinh và cơ chế sử dụng nhân lực ở những ngành nghề trọng yếu hiện nay.

    Vi Cầm

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ