A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi THPT quốc gia - bài toàn khó

10:16 | 13/08/2018

Thời điểm này, sức nóng của kỳ thi THPT quốc gia vẫn chưa hết nguội mặc dù các trường ĐH đã công bố điểm chuẩn đợt 1.

Cải cách thi cử - câu chuyện dài với nhiều quan điểm khác nhau cuối cùng đều để hướng tới một mục tiêu duy nhất là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và ĐH hiện nay. 

Nhiều ý kiến cho rằng THPT là một cấp nên cần tiến tới phổ cập.

Nhận thức đúng về kỳ thi

Bàn về đổi mới thi cử, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho rằng, nếu chúng ta không đổi mới thi cử thì rất khó tạo điều kiện buộc người giáo viên đổi mới cách dạy, người học đổi mới cách học.

Trong đó, kỳ thi THPT quốc gia, mục đích chính là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT nhưng lại được nhiều người coi là thi ĐH, phải cạnh tranh để vào được trường tốt. Do nhận thức như vậy nên dẫn đến tình trạng gian lận nâng điểm thi cho hàng trăm thí sinh, để các thí sinh này có cơ hội vào trường các em mong muốn, từ đó tước đoạt cơ hội học ĐH của những học sinh xứng đáng hơn.

Chính vì vậy, nếu ngay từ đầu xác định đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp thôi thì không có việc phải chạy điểm, sửa điểm, đến mức phải khởi tố hình sự và nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã bị bắt.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, cần phải chuyển biến nhận thức của một bộ phận xã hội về việc đừng biến kỳ thi tốt nghiệp THPT thành một cuộc chạy đua về mặt điểm số. Cần phân định rạch ròi mục tiêu tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH là hai việc hoàn toàn khác nhau. THPT là THPT, ĐH phải tuyển theo cách khác.

Phân tích thêm, ông Dong cho rằng THPT là một cấp mà sau này tiến tới phải phổ cập. Nên thi tốt nghiệp THPT chỉ cần “vừa vừa” để có một mặt bằng, từ đó học sinh có thể đi học thêm, học nghề, tham gia các lớp học do doanh nghiệp tổ chức, các trung tâm giáo dục thường xuyên...

Đối với những học sinh đỗ xứng đáng thì cấp cho một tấm bằng tốt nghiệp để họ tiếp tục thi vào ĐH. Số còn lại cấp một giấy chứng nhận đã học xong 12 năm, nếu ai muốn vào ĐH thì cố gắng tích lũy kiến thức mà trường ĐH đòi hỏi rồi đi thi, số khác học nghề.

Bỏ thi, chất lượng dạy và học sẽ bỏ ngỏ?

Trước chủ trương của Bộ GD-ĐT giữ ổn định kỳ thi đến năm 2020, PGS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng chúng ta cần xử nghiêm, rà soát các quy trình thi để hạn chế tiêu cực xảy ra. Tuy nhiên, về lâu dài ông đồng tình với đề xuất xin tự xét tốt nghiệp THPT của TPHCM. Vì bên cạnh việc tiết kiệm được ngân sách, kết quả cuối cùng của việc thi hay không thi đều là trên 95% học sinh đỗ tốt nghiệp. Đây là kết quả được xã hội chấp nhận nhiều năm qua. 

“Tôi nhớ có năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt khoảng 60%, nhưng rồi cuối cùng người ta lại sửa điểm, sửa “barem” để nâng tỷ lệ đỗ lên”- ông Dong nói. 

Ông Dong dẫn chứng, nếu làm nghiêm túc như cách đây vài năm, vậy 40% số học sinh bị đánh trượt sẽ ra sao? Số học sinh ấy phải tổ chức lớp, thuê thầy dạy 1 năm nữa, tốn kém cho người dân và Nhà nước, chưa kể không biết lấy đâu lớp cho các em học khi mà cơ sở vật chất cho trường học ở Việt Nam vẫn luôn là bài toán khó trong những năm qua. 

Trở lại câu hỏi, nếu chỉ để xét tốt nghiệp mà tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì có cần thiết không? Bởi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn ở mức cao và... rất cao, trên 95%. 
Nhận định về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục cho rằng không nên chỉ hiểu kỳ thi là để loại 3% -5% học sinh yếu. Quan trọng hơn, kỳ thi là một thước đo đánh giá kiến thức toàn diện học sinh trên cả nước.

Chẳng hạn, qua phổ điểm được công bố có thể thấy sự chênh lệch của các vùng miền, những lỗ hổng trong giáo dục đào tạo của từng địa phương.

Như tổng kết ở Hà Tĩnh vừa qua, tỉnh này là địa phương dẫn đầu cả nước trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia năm học 2017-2018 với tỷ lệ đạt giải gần 90%. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua lại xếp thứ hạng 25 so với cả nước. Trong đó, đặc biệt là điểm bình quân môn Tiếng Anh của Hà Tĩnh là 3,62, trong khi điểm chung của toàn quốc là 3,91, nghĩa là đang ở mức rất thấp. 

Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng thừa nhận, việc thí sinh của tỉnh này có điểm tốt nghiệp toàn quốc thấp song điểm tổng kết lớp 12 cao một phần là do bệnh thành tích tại các nhà trường. Trong đề án sắp tới, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng tiếng Anh, kể cả nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

“Từ những so sánh, xếp hạng này là cơ sở để ngành giáo dục của địa phương cần xem lại việc giáo dục và đào tạo trên mặt bằng toàn quốc, không ngủ quên trên hào quang chiến thắng ở những cuộc thi học sinh giỏi vốn là đầu tư gà nòi, không phản ánh hết mặt bằng giáo dục chung toàn địa phương. Về phía Bộ GD-ĐT cũng có tổng kết chung và chỉ đạo cụ thể đối với Sở GD-ĐT địa phương”- vị chuyên gia này nhận định.

Ngược lại, nếu bỏ thi tốt nghiệp, để địa phương tự công nhận tốt nghiệp thì việc loay hoay trong cái “ao làng” sẽ khó rút kinh nghiệm, thậm chí mãi “dậm chân tại chỗ”. 
Thêm vào đó,  nhiều ý kiến cho rằng khi còn tổ chức thi tốt nghiệp, thì các trường còn tập trung ôn thi. Nay nếu chuyển sang xét tuyển, hầu hết các trường sẽ có tâm lý tạo điều kiện cho học sinh có tấm bằng tốt nghiệp để vào đời. Chất lượng dạy và học sẽ bị thả nổi, khó kiểm soát.

Ngay cả giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, khi không có một “người gác cửa” là kỳ thi THPT quốc gia, hiện tượng một số trường tuyển sinh sao cho đủ sinh viên mà không quan tâm đến chất lượng cũng là một mối lo ngại. 

Nhất là với các trường ĐH, CĐ top dưới, ít sinh viên sẽ “tháo khoán” trong tuyển sinh, đánh trống ghi tên, nộp tiền cấp bằng... thì rồi đây, chất lượng sinh viên ra trường sẽ ra sao?

Thi hay không thi, thi như thế nào, đến nay vẫn là một câu hỏi khó.    

    Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ