A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Krông Bông nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới

14:58 | 23/08/2018

Để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, ngay trong dịp hè, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông đã khắc phục khó khăn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học trên địa bàn.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Cư Kty (xã Cư Kty) có 10 lớp với 159 học sinh. Để bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, Trường Tiểu học Cư Kty đã tu sửa, nâng cấp 3 phòng học và xây mới 700 mét tường rào với tổng kinh phí 400 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường còn mua sắm thêm các trang thiết bị, đồ dùng học tập để phục vụ tốt cho việc dạy và học, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực vận động học sinh ra lớp, thực hiện công tác đón học sinh đầu lớp. Nhà trường cũng đã tổ chức lao động tập thể, làm cỏ, quét dọn rác, vệ sinh các lớp học nhằm tạo cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp. Thầy Cao Văn Ninh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài nguồn kinh phí được cấp, nhà trường đã phối hợp với Hội Phụ huynh học sinh duy tu các phòng học, thay thế các trang thiết bị hư hỏng, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm cho việc dạy và học 2 buổi/ngày.

Trường Mẫu giáo Hòa Phong (xã Hòa Phong) đã sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019. Ảnh: N. Xuân

Trường Mẫu giáo Hòa Phong (xã Hòa Phong) hiện có 1 điểm trường chính ở trung tâm xã và 7 điểm lẻ ở 7 thôn, buôn với tổng số gần 300 học sinh. Theo cô Trương Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng nhà trường, trước thềm năm học 2018-2019, trường đầu tư trên 27,7 triệu đồng từ nguồn kinh phí ngân sách huyện và nguồn của phụ huynh đóng góp để sửa chữa 2 công trình vệ sinh ở điểm trường thôn 1 và buôn Tlia. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất với 3 phòng học tạm và thiếu khoảng 10 biên chế nhưng để bảo đảm việc dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh 2 buổi/ngày, các giáo viên, nhân viên đã tích cực làm công tác vận động học sinh ra lớp, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, vệ sinh lớp học, sẵn sàng nấu ăn ở điểm chính và vận chuyển vào các điểm lẻ.

 

Từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước và các nguồn khác, năm học 2018-2019, huyện Krông Bông đã đầu tư xây mới 26 phòng học, 4 phòng bộ môn, 1 nhà đa năng, 1 công trình vệ sinh, 6 công trình nước sạch và sửa chữa 28 phòng học với tổng kinh phí gần 31 tỷ đồng; bảo đảm bậc học Mầm non học 2 buổi/ngày, 8 trường tiểu học học 2 buổi/ngày, 16 trường tiểu học và trung học cơ sở học 2 ca/ngày.

Nhìn chung các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Krông Bông đều đã nỗ lực khắc phục khó khăn chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Năm học 2018-2019, toàn huyện có 55 trường học ở 3 cấp học và 1 cơ sở giáo dục thường xuyên với tổng số 765 lớp, gần 20.300 học sinh. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm rà soát, thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật, thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách; tích cực vận động học sinh ra lớp; sắp xếp, tổ chức, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, sáp nhập 3 điểm trường tiểu học, chỉ đạo tất cả các trường thống kê, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, quy hoạch lại quy mô lớp học theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, hiện ngành Giáo dục huyện vẫn còn một số khó khăn: Các trường tiểu học, mầm non có nhiều điểm lẻ (97 điểm/39 trường), các điểm lẻ cách xa điểm chính; cơ sở vật chất còn thiếu so với quy định, mới chỉ đáp ứng được 2 buổi/ngày đối với mầm non; thiếu trên 150 giáo viên dạy bậc mầm non và giáo viên bộ môn tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học. Ngành đã có kế hoạch mượn tạm các nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn cho học sinh có nơi học tập, sinh hoạt, đồng thời vận động một số nhà tài trợ trao tặng xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo cho học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường. Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Krông Bông mong muốn được bố trí thêm biên chế giáo viên bậc mầm non, tiểu học và đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các trường sau khi sáp nhập, các trường vùng sâu, vùng xa.

Nguyễn Xuân

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ