A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp trần mức học phí đại học: Các trường tự cân đối

10:23 | 11/09/2018

Học phí và các khoản thu dịch vụ khác trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) là một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất tại Dự thảo Luật Sửa đổi,...

.... bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Bởi trong cơ chế tự chủ, chất lượng làm nên thương hiệu mỗi trường thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí được nhiều người quan tâm. 

Học phí là một khoản thu của cơ sở giáo dục ĐH.

Băn khoăn mức trần học phí 

Theo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, học phí được xác định là khoản thu mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục ĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Mức thu học phí được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở giáo dục ĐH công khai mà không xác định mức trần học phí. Đồng thời, quy định học phí là một khoản thu của cơ sở giáo dục ĐH, độc lập với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, trong quá trình thảo luận về việc có nên xác định mức trần học phí ĐH công lập, có nhiều ý kiến băn khoăn. Cụ thể, hiện nay thu nhập bình quân xã hội còn thấp, chưa hoàn thiện được hệ thống quỹ tín dụng sinh viên (của cả Nhà nước và tư nhân) cũng như cơ chế lập quỹ tài chính hỗ trợ học bổng, phát triển nhà trường. Việc không quy định mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập có thể khiến cho cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH của một bộ phận người học có khó khăn, đặc biệt là ở một số ngành có sức hút lớn (như y dược, kinh tế, tài chính, ngân hàng…).

Trái lại, nhiều ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế tự chủ thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết, các trường tự cân nhắc để tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học. Hơn nữa, cơ chế thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập cũng sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật (dự kiến sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết theo quy định của Luật Giáo dục).

Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 10/2018).

Học phí theo chất lượng 

Theo Nghị định 86, mức trần học phí năm học 2018-2019 đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo các ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1,85 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2,2 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Ngành Y dược 4,6 triệu đồng/ tháng/ sinh viên.

Trong năm học 2018-2019, các trường ĐH đều công bố tăng mức học phí theo từng chương trình đào tạo. Với các trường tự chủ, mức học phí đào tạo ĐH hệ đại trà của các trường trung bình từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng một năm tùy theo ngành đào tạo, thấp hơn hoặc bằng mức học phí bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt.

Đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ, mức tăng học phí chỉ từ 70.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học trước. Với mức tăng này, học phí trung bình một tháng đối với một sinh viên thuộc các chương trình đào tạo đại trà là từ 810.000 đồng đến 1.180.000 đồng.

Mặc dù thu tăng như vậy nhưng một số trường cho biết, mức học phí này không bù đủ kinh phí đào tạo. 

Về phía người học, trước mùa tuyển sinh ĐH năm nay, nhiều ý kiến lưu ý thí sinh và gia đình cần căn nhắc khả năng tài chính của gia đình để chọn trường ĐH phù hợp bởi học phí sẽ tăng từng năm. 

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, vấn đề xác định mức trần học phí ĐH có nên đưa vào trong dự thảo Luật hay không cần cân nhắc đến quan điểm học phí theo chất lượng.

Bởi mục tiêu hướng đến cuối cùng của chúng ta hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đưa đất nước phát triển.

Nếu như học phí cao nhưng có chính sách tín dụng hợp lý cho sinh viên để đảm bảo công bằng thì người học hoàn toàn có thể vay để học, sau khi ra trường sẽ trả nợ. Ngược lại, dù học phí thấp nhưng không có việc làm, đào tạo xong cất bằng đi thì cũng là lãng phí. 

“Vấn đề kiểm soát học phí và chất lượng đào tạo phải là bài toán song hành. Nên chăng quy định rõ các trường cần đưa ra căn cứ để xác định mức học phí của trường mình, tránh cho một ngành học có nhiều mức học phí khác nhau ở các trường khác nhau nhưng đầu ra lại không có cam kết đi kèm”- vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Trong khi hệ thống kiểm định chất lượng của Nhà nước chưa hoàn thiện, có những trường “nợ” tiêu chí kiểm định hoặc chưa đạt chuẩn vẫn chưa bị xử lý nghiêm khắc, ngành giáo dục cũng chưa hoàn thiện hướng dẫn thực hiện quy chế tự chủ cho các trường, câu hỏi học phí cao có xứng với chất lượng đào tạo vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

    Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ