A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tránh tình trạng phân phối sách giáo khoa

07:56 | 17/09/2018

Tại buổi thuyết trình diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết -Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho biết đến thời điểm này, ông hoàn toàn yên tâm về chương trình.

Dự kiến khoảng cuối tháng 9 sẽ ban hành chương trình môn học. Tuy nhiên, sách giáo khoa (SGK) thì đến giờ vẫn chưa biết thế nào...

Ảnh minh họa.

Chia sẻ về tiến độ triển khai chương trình, GS Thuyết cho biết hiện việc xin ý kiến chuyên gia, nhân dân về chương trình môn học đã hoàn thành. 25 Hội đồng thẩm định các môn học đã thông qua, Ban soạn thảo đã biên tập kỹ thuật, chuyển Bộ GDĐT để xem xét ban hành. Hy vọng tháng 9, 10 sẽ ban hành chương trình môn học. 

“Về sách giáo khoa  qua nghe ngóng tình hình tôi được biết khi Bộ GDĐT công bố dự thảo chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 19/1), các Nhà xuất bản (NXB) rất nhạy bén, đã viết rồi. Khi có chương trình môn học chính thức thì họ sẽ đối chiếu và chỉnh sửa, in sách, chắc kịp thời gian vì lớp 1 chỉ có 6 môn” - GS Thuyết nói. 

Theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT mới mà Bộ GDĐT đã công bố thì năm học 2019 - 2020 triển khai SGK mới ở lớp 1; năm học 2020 - 2021: lớp 2 và 6; năm học 2021 - 2022: lớp 3, 7 và 10; năm học 2022 - 2023: lớp 4, 8 và 11; năm học 2023 - 2024: lớp 5, 9 và 12. 

Theo Nghị quyết 88, cuối năm nay Bộ GDĐT sẽ phải báo cáo Quốc hội về tình hình chuẩn bị, nghe ý kiến của các đại biểu, trên cơ sở đó Bộ trưởng xin ý kiến của Chính phủ lúc đó mới triển khai được. Trong khi đó, vừa qua, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn chưa thống nhất, để triển khai ngay từ năm học 2019 - 2020 phải có quá trình thuyết phục. Vì vậy, chương trình dù đã xong nhưng SGK vẫn chưa biết thế nào. 

Trao đổi về vấn đề một chương trình, nhiều bộ SGK, GS Thuyết cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới GDPT đã nêu rõ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, phiên họp mới đây nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên thực hiện một bộ SGK. Về mặt thẩm quyền của Quốc hội, Quốc hội có thể sửa Nghị quyết 88 nếu cần thiết, nhưng quy trình để ban hành nghị quyết mới sẽ rất lâu. Việc này nếu có thì cũng phải bàn bạc trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhìn ra thế giới hiện nay, việc một chương trình nhiều bộ SGK là phổ biến. Thậm chí, giáo viên có quyền viết SGK, miễn là phải tuân thủ theo chương trình. Vì vậy, GS Thuyết cho rằng Việt Nam không thể khăng khăng một chương trình, một bộ SGK. 

Về những tồn tại trong quá trình thực hiện như một số đơn vị đi vận động để sử dụng bộ SGK này hay bộ SGK kia; hay việc lãnh đạo sở, lãnh đạo nhà trường bị “tác động” trong việc lựa chọn hay “ép” phụ huynh mua SGK…, GS Thuyết cho rằng cần phải có những quy định về mặt pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này, đưa việc lựa chọn SGK trở về đúng mục đích ban đầu. Phân phối SGK từ trên dội xuống là không đúng. Mua sách là lựa chọn tự nguyện của người học, không được áp đặt. Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ việc lựa chọn bộ SGK nào sẽ dựa trên ý kiến tập thể của giáo viên và phụ huynh học sinh chứ không phải do sở GDĐT quyết định.

Chia sẻ thêm về cuốn sách Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, quan điểm của ông khi dạy chương trình mới là tôn trọng sự khác biệt, miễn chương trình ấy không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. 

“Nghị quyết 88 của Quốc hội là nhằm tạo điều kiện để huy động trí lực trong xã hội viết SGK để phát triển giáo dục, các nhóm tác giả sẽ cạnh tranh nhau để làm ra những bộ SGK có chất lượng. Những người soạn thảo chương trình hoàn toàn có thể tham gia viết SGK của Bộ nếu được mời” - GS Thuyết nêu quan điểm. 

Theo tính toán của TS Ngô Minh Oanh - Ủy viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, hiện cả nước có 15 triệu học sinh phổ thông. Bình quân, mỗi bộ SGK có từ 7-10 cuốn (chưa kể sách bài tập). Cụ thể, theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp 1, 2, 3 là 6 cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn SGK, lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. 

Năm học 2018-2019 số lượng bản in sách giáo khoa kế hoạch của NXB Giáo dục lên đến 104 triệu bản. Nếu dựa trên số lượng học sinh phổ thông thực tế, mỗi học sinh sử dụng khoảng 10 cuốn sách thì số sách cần dùng sẽ vào khoảng 150 triệu cuốn sách. 

* Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng số tiền làm chương trình GDPT mới là 144 tỷ đồng; tính ra chỉ bằng 180 m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Hà Nội), bằng 600 m đường cao tốc Bắc Nam. Ông cho biết, toàn bộ chương trình đổi mới GDPT có nguồn kinh phí vay của Ngân hàng Thế giới để làm, nên quản lý tài chính rất chặt chẽ chứ không phải vẽ ra dự án để “ăn tiền” như một số ý kiến của dư luận thời gian qua.  

 Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ