A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi THPT Quốc gia: Xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương

09:36 | 20/09/2018

Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho rằng kỳ thi THPT Quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức.

Trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm chính. 

Nhà trường và xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới của kỳ thi THPT.

Nhìn lại kỳ thi để tổ chức tốt hơn

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức” diễn ra tại Hà Nội mới đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với việc tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia những năm tới nhưng có điều chỉnh về kỹ thuật để tránh tiêu cực, gian lận thi cử. 

PGS.TS Hoàng Minh Sơn- hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần tập trung làm rõ kết quả và tác động của kỳ thi. Cụ thể, kỳ thi nói giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, cần có con số cụ thể để thuyết phục. Việc coi, chấm thi cũng được đánh giá trung thực, đảm bảo tin cậy, nhưng cũng cần được phân tích đúng hơn.

Đối với việc áp dụng kết quả thi THPT Quốc gia vào xét tuyển đại học, cao đẳng, ông Sơn cho rằng cần cải tiến đề thi để làm cơ sở tuyển sinh cho các trường ĐH và CĐ. Bên cạnh đó, xét tuyển cũng cần xem xét đến yếu tố năng lực và cả phẩm chất. Trong tương lai, tuyển sinh đầu vào ĐH cần có phần phỏng vấn để đánh giá khách quan vấn đề này. 

Đồng tình quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phương Nga- Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng cần phải có kỳ thi THPT quốc gia trong Luật Giáo dục. Theo PGS, kì thi này không chỉ để đánh giá 12 năm học phổ thông của học sinh mà còn là cơ sở dữ liệu để nhà nước có chủ trương, chính sách quy hoạch, đầu tư phát triển giáo dục. Đây không phải là kỳ thi tuyển chọn mà là đánh giá năng lực học sinh phổ thông một cách khách quan, công bằng.

Bà Nga cũng dẫn chứng hiện nay, thế giới có 3 xu hướng về kiểm tra, đánh giá. Thứ nhất là không thi tốt nghiệp THPT quốc gia, hiệu trưởng các trường phổ thông tự công nhận học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp. Phương thức này được các nước như Hàn Quốc, Australia áp dụng.  

Thứ hai là tổ chức thi THPT quốc gia, được nhiều nước trên thế giới lựa chọn như Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Phần Lan... 

Xu hướng thứ ba có thi THPT quốc gia, nhưng do các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức, có thể thi 4 lần hoặc 6 lần/năm, thí sinh tự do đăng ký thời gian thi. Mỹ đang áp dụng hình thức này.

Ở Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, chúng ta đã 6 lần đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ. Mỗi lần đạt được kết quả nhất định. Với kỳ thi năm 2017-2018, bà Nga đánh giá cao vì thời gian thi ngắn gọn, có kết quả nhanh, giảm tốn kém, áp lực cho xã hội. Tuy  nhiên, kỳ thi này vẫn còn có tiêu cực trong khâu chấm thi nên cần đổi mới kiểm tra, đánh giá.

“Chúng tôi kiến nghị quy chế tuyển sinh cần làm chặt hơn nữa, có quy định thưởng phạt nghiêm minh. Đồng thời hoàn thiện hơn nữa phần mềm chấm thi, quản lý thi. Không nên chấm chéo mà phải có ma trận chấm thi phức tạp để tránh việc các tỉnh bắt tay nhau”- bà Nga nói.

Liên quan đến vấn đề chấm chéo, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT khẳng định, Bộ sẽ cân nhắc một cách thận trọng. Dù có chấm chéo hay không cũng sẽ tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện. 

Tập trung giải pháp đột phá

Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH bày tỏ, để khắc phục tiêu cực trong thi cử, cần phải thực hiện 2 giải pháp lớn.

Thứ nhất, là phải kiện toàn ngân hàng câu hỏi và cách soạn đề thi. Bộ GDĐT cần phải xem mục đích của kỳ thi là gì để thiết kế đề thi tiêu chuẩn. Để làm được điều đó, trước hết Bộ phải bám sát chuẩn đầu ra của các môn học trong chương trình phổ thông để soạn đề thi.

Đề thi phải thiết kế làm sao để thí sinh đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới được tốt nghiệp. Nghĩa là trong một đề thi chuẩn hóa phải có 50% số câu hỏi cơ bản bám sát chuẩn đầu ra môn học, còn 50% số câu còn lại có yêu cầu cao hơn để đề có tính phân hóa cao.

Thí sinh phải đạt tối thiểu 5 điểm/1 bài thi; dưới 5 đều là liệt. Ông Khuyến cũng lưu ý, khi quy định chuẩn đầu ra phải căn cứ vào trình độ mặt bằng chung của học sinh cả nước. Ngoài ra, đề thi sẽ có những câu hỏi khác ở mức độ khó hơn, cao hơn để các trường ĐH có thể sử dụng kết quả xét tuyển sinh.

“Tuy nhiên, điểm thi THPT Quốc gia cũng chỉ nên sử dụng để xét tuyển đối với các trường tốp dưới và tốp giữa. Các trường ĐH tốp trên nên tổ chức tuyển sinh riêng theo điều 34 Luật Giáo dục ĐH, tùy theo điều kiện của mình. Khi thực sự kiện toàn đề thi tiêu chuẩn hóa thì một năm có thể tổ chức thi 2 lần, 3 lần như nhiều nước trên thế giới”- ông Khuyến nói.

Thứ hai, kỳ thi THPT Quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức. Trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu (Chủ tịch UBND tỉnh, TP) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng. 

“Tôi tin với việc gắn trách nhiệm như vậy, các địa phương sẽ huy động tất cả nguồn lực của mình để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tốt, hiệu quả”- ông Khuyến bày tỏ.  

 Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ