A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Minh bạch kiểm định giáo dục đại học

09:22 | 29/09/2018

Kiểm định đại học (ĐH) nhằm minh bạch chất lượng đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin cho người học là yêu cầu cần thiết. Chất lượng kiểm định ĐH được công bố mới đây cho thấy, còn nhiều tiêu chí mà các trường chưa đạt.

Tuy nhiên, tại hội thảo vừa tổ chức tại Hà Nội xung quanh chủ đề này, theo ý kiến của các chuyên gia: Phải rà soát các Trung tâm kiểm định bởi hiện nay để đảm bảo tính khách quan, vì có 4 trung tâm kiểm định thì có đến 3 trung tâm thuộc các trường ĐH.

Tiêu chí SV/GV của nhiều trường ĐH chưa đạt.

Khó đạt các tiêu chí

Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm “kiểm định chất lượng” được đưa vào Luật Giáo dục năm 2005. Từ đó đến nay, hoạt động kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bộ GDĐT ban hành kế hoạch kiểm định với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các trường ĐH trong cả nước phải được kiểm định. Đến nay có 4 trung tâm kiểm định trực thuộc các đơn vị: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, ĐH Đà Nẵng và Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH dựa trên 61 tiêu chí, được 4 Trung tâm công bố gần dây, chỉ có duy nhất một trường ĐH có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất là 56. Cụ thể, từ tháng 1/2016 đến 31/5/2018, 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường ĐH; trong đó có 117 trường ĐH, học viện được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và 5 trường chưa được công nhận “đạt chuẩn chất lượng”. Trong số 117 cơ sở, có 100 trường ĐH công lập và 17 trường ĐH ngoài công lập.

Việc kiểm định theo bộ tiêu chí này kéo dài trong hơn 2 năm, từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2018 và chu kỳ đánh giá là 5 năm. Cho đến tháng 7/2017, Bộ GDĐT đã ban hành quy định mới về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH (với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí). Dẫu vậy, những kết quả của đợt đánh giá ngoài theo 61 tiêu chí vẫn có giá trị tham khảo nhất định.

Theo đó, rất nhiều số liệu thống kê đã được đưa ra: Đối với công tác quản trị và quản lý, có 36% số trường chưa có cách tổ chức phù hợp như chưa thành lập hội đồng trường, hội đồng khoa...; 43% cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, thiết kế đáp ứng chuẩn kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động; 33% các trường ĐH vẫn chưa chú trọng lấy ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan để làm căn cứ điều chỉnh chương trình đào tạo. Sự bất cập của nhiều trường ĐH là tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên (SV/GV) còn quá cao. Thậm chí, có chương trình đào tạo lên tới khoảng 60 SV/GV.

Theo kết quả kiểm định, 55% trường được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, có 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định. Một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo. Đồng thời, số lượng đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn lên tới 35%...

Băn khoăn năng lực 

Dẫu thế, nhiều chuyên gia cho rằng, phải tăng cường công tác kiểm định, đánh giá ngoài và công bố minh bạch chất lượng đào tạo của từng trường cho xã hội biết. Đây chính là một trong các yêu cầu để nâng cao chất lượng, xếp hạng giáo dục ĐH của Việt Nam.

TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) thẳng thắn: Ở trên thế giới không có chuyện ĐH này kiểm định cho trường ĐH khác mà phải là các tổ chức kiểm định độc lập, độc lập từ bộ tiêu chuẩn kiểm định. Để thực hiện kiểm định, Bộ GDĐT đã cấp phép hoạt động cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với 4 cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GDĐT cấp phép thì có đến 3 trung tâm thuộc các trường ĐH và 1 trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Như vậy, việc kiểm định khó đảm bảo chính xác, khách quan.

Theo ông Khuyến, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này phải đảm bảo tính độc lập trong kiểm định chất lượng. Đồng thời cũng cần phải giám sát xem họ có làm đúng quy trình không, có đảm bảo tính chính xác hay không.

GS.TS Trịnh Minh Thụ- Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi thì cho rằng, việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH với việc đánh giá ngoài là một việc làm rất cần thiết. Kiểm định giúp cho xã hội, người học biết được chất lượng của từng trường ĐH đang ở mức độ nào. Tuy nhiên, để việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các trường ĐH được khách quan, minh bạch, công bằng các trường ĐH phải được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ở bên ngoài trường ĐH đó đánh giá theo bộ tiêu chuẩn mới do Bộ GDĐT ban hành. 

Hiện tại, công tác kiểm định chất lượng ĐH được thực hiện theo Thông tư 12/2017 ban hành hồi tháng 5/2017 của Bộ GDĐT như đã nói ở trên. Việc kiểm định chất lượng giáo dục ĐH được thực hiện theo chu kỳ 5 năm và tuân theo trình tự 4 bước (tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục). Bộ GDĐT có quy định rõ ràng, cụ thể về việc kiểm định chất lượng. Song nhiều chuyên gia nhận định một phần nằm ở bộ tiêu chuẩn còn nhiều hạn chế. Nhiều chuyên gia cho rằng trên thế giới các trung tâm kiểm định chất lượng hoạt động độc lập. Việc trung tâm kiểm định thuộc các trường ĐH sẽ có tác động thấp hơn cả trước đây.

Thậm chí, nhiều trường ĐH còn cho rằng, kiểm định từ các tổ chức quốc tế sẽ khách quan vì hoàn toàn độc lập với trường và môi trường đào tạo.    

Minh Quang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ