A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phạt tiền: Không nên?

07:32 | 06/10/2018

Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang gây nhiều tranh cãi khi mức xử phạt đối với các trường vi phạm tuyển sinh quá nhẹ, trong khi thầy cô nhỡ tay đánh học trò sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến.

Tuyển vượt, phạt 60 triệu đồng

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các trường có hành vi xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực thực tế, không công khai đề án tuyển sinh hoặc công khai thông tin trong đề án tuyển sinh sai sự thật, công khai không đúng thông tin liên quan tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Nếu các trường thu nhận hồ sơ hoặc hỗ trợ tuyển sinh khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước hay không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào thì sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Thí sinh TP HCM trước một buổi thi THPT quốc gia 2018 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 35 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đối với hành vi tổ chức tuyển sinh chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài khi chưa được cấp phép thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 45 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động, buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với trường hợp đã tuyển trái phép

Liên quan quy trình tuyển sinh, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thu nhận hồ sơ thí sinh không đúng thời gian hoặc gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh khi thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường. Phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy trình xác định điểm trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Hành vi tuyển sinh vượt số lượng so chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo hoặc được giao cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 5% đến dưới 10% chỉ tiêu; từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu vượt từ 10% đến dưới 15%; từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu vượt từ 15% đến dưới 20%; từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu vượt từ 20% đến dưới 40%; từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nếu vượt từ 40% trở lên.

Ngoài mức phạt trên, các trường phải giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt đối với hành vi vi phạm quy định.

Nặng tính quan liêu

Nhận xét về những quy định mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng cách tiếp cận này dường như không ổn, mang nặng tính quan liêu.

"Nếu nhà trường tuyển vượt nhưng họ có nhiều giải pháp như đầu tư thêm cơ sở vật chất, tuyển giáo viên, đầu tư công nghệ dạy học và đạt chuẩn đầu ra phù hợp với khung trình độ quốc gia thì có đáng phạt không? Nói cách khác, nên tiếp cận xử lý theo thanh tra chất lượng đầu ra như nhiều quốc gia khác đang làm (mà không phải kiểm định)" - ông Vinh nêu quan điểm. Ông khẳng định điều này quan trọng hơn là xử phạt nếu tỉ lệ sinh viên/giảng viên theo ngành (chương trình) vượt quá tiêu chuẩn và vượt quá 10% (thực ra để xác định và tuyển đúng số chỉ tiêu là không khả thi).

Ông Vinh cũng nhấn mạnh trường hợp vi phạm vượt tiêu chuẩn định mức tỉ lệ sinh viên/giảng viên thì xử phạt cần ngang bằng tổng học phí của sinh viên vượt tiêu chuẩn và đặc biệt phải công bố ngay trước truyền thông đại chúng cho xã hội biết mà không phải phạt rồi cho tồn tại. "Việc phạt tiền là chuyện góp vào cho ngân sách nhưng hậu quả tai hại cho người học thì khó có gì đền bù cho nổi. Vì thế, cách phạt và mức xử lý cần bảo đảm quyền lợi cho người học" - ông Vinh nói. 

Chưa ổn!

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc xử phạt bằng tiền trong giáo dục là không ổn lắm. Nên có những hình phạt liên quan đến hoạt động của nhà trường, như vậy sẽ có tác động cao hơn. "Nếu có sai phạm, người đứng đầu nhà trường phải bị phạt thật nặng, phạt vào chức vụ của người ta" - ông Khuyến nói và khẳng định hiệu trưởng là người quyết định tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu chứ không thể đổ lỗi cho cấp dưới. Vì thế, cần phạt nặng người đứng đầu thì sẽ giải quyết được vấn đề.

Yến Anh

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ