A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phục vụ học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

09:27 | 31/10/2018

Liên quan đến việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) trong chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, khi thiết kế SGK mới sẽ tạo cơ hội để các thầy cô chủ động sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt về vùng miền.

 Trong thiết kế chương trình có 80% thống nhất toàn quốc, còn 20% theo đặc điểm vùng miền, chuyên đề địa phương. Khi ban hành chương trình mới, Bộ Tới đây nhiều đơn vị sẽ tham gia phát hành SGK.

Cơ cấu lại NXB Giáo dục Việt Nam theo hướng tinh gọn 

Không được để học sinh thiếu SGK - đó là chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) trong việc đảm bảo cung ứng SGK đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý tới học sinh. Bộ GDĐT cũng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xuất bản, phát hành SGK và hoạt động của NXBGDVN. Trước các thông tin về bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất bản của NXBGDVN, ngay từ năm 2016, Bộ GDĐT đã chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK nói riêng và toàn bộ hoạt động của NXBGDVN nói chung.

Theo Bộ trưởng, qua thanh tra, kiểm tra, Bộ GDĐT cũng đã chỉ ra hệ thống phát hành SGK của NXBGDVN còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác. Bộ đã chỉ đạo NXBGDVN phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ học sinh làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo cung ứng SGK đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK. Lãnh đạo Bộ GDĐT đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ toàn ngành nói chung, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xuất bản, phát hành SGK và hoạt động của NXBGDVN nói riêng. Theo đó đã chỉ đạo khắc phục các hạn chế, sai phạm của NXBGDVN.

Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm chuyển NXBGDVN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ GDĐT; chỉ đạo rà soát, cơ cấu lại NXBGDVN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian.

Đồng thời, Bộ GDĐT tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông để có những chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng độc quyền, lãng phí và minh bạch hóa việc phát hành, phổ biến SGK, sách tham khảo.

Không độc quyền 

Liên quan đến việc biên soạn SGK trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X, kết luận có một bộ SGK giao cho Bộ GDĐT biên soạn. Trong quá trình thực hiện, điểm tốt là một chương trình ổn định và cho toàn quốc, rất nhiều vùng có giáo viên khác nhau, trình độ khác nhau sử dụng ổn định. Nhưng có điều bất cập, trong dạy và học duy nhất có một bộ SGK nên các thầy cô phụ thuộc vào SGK dẫn tới cứng nhắc, dập khuôn, máy móc. Do chỉ có một bộ SGK nên chưa khai thác được trí tuệ của nhiều thầy cô giáo và các tầng lớp nhân dân, đồng thời khó xã hội hóa. 

“Với một chương trình, một số SGK thì có thể dẫn tới tình trạng có một số sách không phải nhà xuất bản nào cũng sẵn sàng hoặc trình độ không đồng đều giữa các giáo viên giữa các vùng miền tham gia giảng dạy sẽ rất khác nhau. Chính vì thế trong Nghị quyết của Quốc hội đã chủ động giao cho Bộ GDĐT trước mắt xây dựng một bộ sau đó khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia, và không có độc quyền mà mở rộng”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.

Về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 88 yêu cầu Bộ GDĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK là để vẫn bảo đảm được việc dạy học. Bởi không có gì bảo đảm đến giờ G thực hiện chúng ta có đủ SGK cho học sinh toàn quốc. 

“Bộ SGK của Bộ nhằm bảo đảm hai yếu tố là tiến độ và chất lượng. Về lâu dài, Bộ GDĐT nên để xã hội lo xuất bản SGK. Trách nhiệm của Bộ chỉ là ban hành chương trình”- ông Thắng nêu quan điểm. 

Phản hồi những lo lắng này, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, nhiều năm nay, Bộ đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Vì vậy, khi có SGK mới, các trường sẽ được giao quyền lựa chọn theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh chứ không phải vì làm “đẹp lòng” Bộ mà phải chọn sách do Bộ chủ trì biên soạn.

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ