A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trăn trở “bài toán” thiếu giáo viên (kỳ cuối): Cần một giải pháp bền vững

08:08 | 01/11/2018

Trong những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực Tây Nguyên.

 Vì vậy, việc thực hiện tinh giản, cơ cấu lại bộ máy trong ngành Giáo dục cũng cần linh động và bảo đảm được các điều kiện, nhu cầu tối thiểu, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi học tập của con em trên địa bàn.

Điểm trường thôn 6 của Trường mầm non Họa Mi ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chỉ có 2 giáo viên/2 lớp nên cô giáo phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để làm đồ dùng dạy học. Gần như giáo viên không có giờ nghỉ ngơi trong ngày

Tinh giản biên chế là cần thiết

Một thực tế cho thấy, trong khi thiếu biên chế bậc mầm non trầm trọng thì một số địa phương lại thừa biên chế giáo viên phổ thông. Điển hình, qua rà soát của Sở Giáo dục-Đào tạo, toàn tỉnh hiện thừa 50 giáo viên tiểu học và 119 giáo viên bậc THCS.

Tình trạng thừa biên chế giáo viên phổ thông chủ yếu tập trung ở huyện Cư Jút. Trên cơ sở khuyến khích, động viên, hiện nay nhiều giáo viên phổ thông đã tham gia các khóa học chuyển đổi qua biên chế giáo viên mầm non, giảm số lượng thiếu giáo viên của bậc học này.

Một thực tế nữa cho thấy, trong khi ngành Giáo dục căng thẳng vì thiếu giáo viên thì nghịch lý là, hiện nay có hàng trăm sinh viên sư phạm ra trường vẫn không xin được việc làm. Đây cũng là vấn đề nhiều người cho là bất cập và cũng là một trong những vấn đề “nóng” được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Để giải quyết tình trạng bất cập về vấn đề biên chế nói chung, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 nhằm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là nguyên nhân từ năm 2014 đến nay, các ngành sự nghiệp, trong đó có ngành Giáo dục không được bổ sung thêm biên chế giáo viên.

Lớp học tại phân hiệu Trường mầm non Hoa Lan, xã Đắk R'măng (Đắk Glong) quá đông trẻ, nên khó khăn trong tổ chức các hoạt động dạy học

Nhưng cần tăng nhu cầu biên chế giáo viên

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 11.872 giáo viên, trong đó có 11.544 biên chế. Tính theo định mức, toàn ngành hiện thiếu 1.093 biên chế. Riêng bậc mầm non thiếu 839 biên chế, trong đó bậc mẫu giáo thiếu nhiều nhất với 783 biên chế và nhà trẻ thiếu 56 biên chế.

Địa phương có số lượng biên chế thiếu nhiều nhất là huyện Đắk Glong: 193 biên chế, tiếp đến là Tuy Đức: 146 biên chế, Đắk Mil: 121 biên chế, Krông Nô: 86 biên chế, Đắk R’lấp: 74 biên chế, Gia Nghĩa: 71 biên chế và Cư Jút: 34 biên chế. Tỷ lệ giáo viên/lớp của bậc mầm non chỉ có các huyện Cư Jút và Krông Nô đạt chuẩn 2 giáo viên/lớp. Các huyện, thị xã còn lại có tỷ lệ đạt rất thấp như huyện Đắk Glong chỉ đạt 1,6 giáo viên/lớp, thị xã Gia Nghĩa 1,7 giáo viên/lớp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, sau khi hoàn thành kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Nhu cầu đưa trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường ngày càng tăng. Cùng với đó, số lượng học sinh tăng cơ học ngày càng cao do tỷ lệ dân di cư tự do hàng năm lớn,  nhất là huyện Đắk Glong.

Với việc phát triển nhanh về số lượng học sinh, việc tổ chức cơ sở giáo dục tại các thôn, buôn, bon là phù hợp với đặc điểm lứa tuổi trẻ mầm non. Từ đó, quy mô học sinh, trường lớp mầm non tăng vượt xa tỷ lệ tăng chung của các cấp học khác. Trong khi đó, số lượng biên chế giáo viên không được bổ sung thêm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng.

Được đến lớp là quyền lợi của mỗi trẻ

Cần một hướng đi bền vững

Có thể thấy, việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là điều cần thiết theo hướng tinh gọn bộ máy. Đây cũng là cơ sở để các bộ ngành có kế hoạch đào tạo nhân lực ngành sư phạm phù hợp hơn với thực tiễn. Việc tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ nhằm phục vụ cho chiến lược dài hơi về tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này cần phải dựa trên điều kiện thực tế của các địa phương, nhất là đối với các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông.

Theo đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc mầm non. Thế nhưng, những giải pháp này cũng chỉ mới mang tính chất tạm thời, cầm cự để bảo đảm điều kiện tốt nhất có thể cho các trường học. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu biên chế giáo viên, cần phải có một giải pháp bền vững và phù hợp với thực tế, đặc trưng của từng địa phương. Nếu không có “bài toán” phù hợp, thiết thực thì áp lực đối với việc bảo đảm điều kiện học tập của con em trên địa bàn sẽ là rất lớn.

 

Liên quan đến tình trạng thiếu giáo viên, ngày 7/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 8593 yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT có biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm giải quyết tình trạng thiếu biên chế giáo viên tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông. Những vấn đề vượt thẩm quyền các đơn vị có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng. Hy vọng đây sẽ là hướng mở bền vững, giải quyết khó khăn cho các cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

 

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ