A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần có lộ trình

08:56 | 07/11/2018

Đề xuất mới về chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm, thay thế cho chính sách miễn học phí đào tạo sư phạm không hiệu quả lâu nay- đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

 Nhiều băn khoăn cũng được đặt ra, việc thu hút người tài vào sư phạm không chỉ là câu chuyện miễn, giảm hay hỗ trợ học phí, mà cần tới những chính sách dài hơi, cần lộ trình cụ thể để đạt chuẩn cả đầu vào và đầu ra ngành sư phạm.

Giáo viên đang đứng trên lớp dạy học vẫn lo lắng về ký thi tuyển viên chức.

Những chuyển biến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm đã được nhìn thấy rõ từ việc đổi mới tuyển sinh sư phạm năm 2018. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các trường ĐH sư phạm phải đạt từ 17 điểm, CĐ sư phạm từ 15 điểm trở lên.

Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển được thí sinh. Đơn cử như  CĐ Sư phạm Nghệ An năm 2018 lấy điểm chuẩn 20 điểm nhưng không có thí sinh trúng tuyển. Đó là các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh. Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) với 80 chỉ tiêu cho 4 ngành sư phạm được “đặt hàng” từ tỉnh, kèm nhiều ưu đãi, nhưng cũng không hấp dẫn thí sinh.

Đặc biệt hơn, câu chuyện của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của trường được nâng lên 23 điểm để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển. Trong khi thực chất, điểm chuẩn các ngành của trường không cao đến mức 20 - 23. Nhưng với thực tế nhiều ngành chỉ có vài ba thí sinh đăng ký nguyện vọng, nếu các em trúng tuyển, nhà trường cũng không thể mở lớp, bố trí giảng viên...

Trước đó, ở  kỳ xét tuyển năm 2017, điểm chuẩn vào sư phạm được các trường CĐ địa phương hạ thấp xuống mức “vơ bèo vạt tép”. Mức trúng tuyển cho tổ hợp 3 môn chỉ “loanh quanh” 9, 10 điểm nhưng cũng không tuyển được sinh viên.

Dù đã nỗ lực siết chất lượng đầu vào, tuyển sinh theo đơn “đặt hàng”‘, song bức tranh tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 xem ra vẫn không tươi sáng hơn nhiều so với năm trước. Rõ ràng, câu chuyện ở đây không phải do điểm chuẩn cao hay điểm chuẩn thấp mà là giải quyết đầu ra cho sinh viên sư phạm, là chính sách sử dụng đội ngũ giáo viên ra sao, là việc người học có nhìn thấy tương lai của họ hay không… 

Một thời gian dài vừa qua, việc đào tạo nhân lực ngành sư phạm không căn cứ trên nhu cầu của các địa phương, dẫn tới tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ kéo dài. Nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm, người được ký hợp đồng lao động nhưng không có gì đảm bảo chắc chân…những trở ngại thường trực ấy khiến cho các thày cô đứng lớp không thể yên tâm cống hiến.

Cánh cửa vào biên chế nói chung và biên chế của ngành giáo dục nói riêng vốn dĩ rất hẹp. Một kỳ thi vào biên chế mà tỷ lệ chọi cao gấp nhiều lần so với việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm khiến cho nhiều giáo viên hàng ngày đang đứng lớp dạy học trò làm sao để vượt qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi với kết quả tốt nhất, thì chính họ lại… trượt. Đó là chuyện có thật! Có một vòng luẩn quẩn trong đào tạo và bố trí việc làm, số sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm vẫn có nhu cầu được trở thành giáo viên hợp đồng để chờ kỳ thi tuyển viên chức. Trong khi nhiều giáo viên hợp đồng cũ, dù không đỗ ở kỳ thi tuyển viên chức vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề.

Trở lại với đề xuất về chính sách mới đối với học sinh, sinh viên sư phạm của Bộ GDĐT, nhiều chuyên gia đã phân tích: Trước nay không phải vì miễn học phí mà thu hút học sinh vào, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược. Học sinh thi vào sư phạm không vì đam mê yêu thích mà chủ yếu vì được miễn học phí, thì chính sách này có thể còn khiến cho sinh viên lười học, bởi vậy phải đóng tiền thì sinh viên mới cố gắng học.

Nhưng cũng có những cách nhìn khác cho rằng: Chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã có thời gian dài tác động tích cực đến tuyển sinh sư phạm, đặc biệt là thời kỳ đó sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội làm việc đúng ngành đã chọn. Hiện nay học sinh giỏi ít mặn mà với ngành sư phạm, chủ yếu là do cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp quá khó khăn. Trong điều kiện khó tuyển sinh vào các trường sư phạm như hiện nay, nếu bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì lại càng khó tuyển hơn…

Nói như vậy, dù nhìn ở góc nào thì “đầu ra” cho sinh viên ngành sư phạm cũng là câu chuyện đáng bàn hơn cả. Miễn, giảm học phí hay cho vay để học, âu cũng chỉ là sự thay đổi mang tính chất hình thức. Do đó, theo các chuyên gia, việc thay đổi hình thức hỗ trợ người theo học ngành sư phạm nói riêng, và đào tạo nhân lực cho ngành sư phạm nói chung cũng cần phải có lộ trình cụ thể.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm rất cần thiết và nên triển khai càng sớm càng tốt, song quy hoạch và dự báo nguồn nhân lực, xuất phát nhu cầu của từng địa phương sẽ giúp cho quy mô đào tạo ngành sư phạm bám sát hơn với nhu cầu thực tiễn. Không thể để tái diễn tình trạng sinh viên chất lượng cao, đạt điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm ĐH khá, giỏi mà vẫn phải chật vật tìm việc nhiều năm liền.

Minh Quang

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ