A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Học tiếng Anh: Kỹ năng tự học quan trọng hơn sách vở

09:06 | 12/11/2018

Lâu nay, việc dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đánh giá mới nhất của Tổ chức Giáo dục Education First (EF) về kỹ năng tiếng Anh, Việt Nam xếp thứ 41/88 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Theo TS Lê Văn Canh (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), khi học tiếng Anh, với tuỳ từng đối tượng mà xác định kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, kỹ năng nào là quan trọng hơn. 

Một buổi học tiếng Anh.

PV: Là người có nhiều năm dạy ngoại ngữ trong trường ĐH, ông đánh giá thế nào về thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên hiện nay?

TS Lê Văn Canh: Tôi công tác tại trường chuyên ngữ nên không thể lấy thực trạng học ngoại ngữ của sinh viên trường tôi để so sánh với sinh viên các trường khác. Đối tượng, mục đích, động cơ học tập của các em khác nhau. Tôi đi làm bồi dưỡng giáo viên, đi làm nghiên cứu thấy một thực tế, ở các trường khác, số sinh viên có động lực học tiếng Anh không nhiều. Nhiều em nói với tôi rằng cảm thấy tiếng Anh quá khó, không học được. Thực ra không phải vậy. Nhiều thầy cô khác cũng tâm tư rằng sinh viên lười học tiếng Anh và sợ học tiếng Anh. Điều này đúng thôi vì với cách học dàn trải như hiện nay, sinh viên học không thấy kết quả, sẽ chán học là chuyện đương nhiên. 

Sinh viên chuyên ngữ đa số là có nền tảng ngoại ngữ tốt ngay từ khi còn là học sinh phổ thông, thưa ông?

- Điều đó đúng. Nhưng với ngoại ngữ, trình độ năng lực phải đi theo từng giai đoạn. Chẳng hạn, để đạt mục tiêu khi tốt nghiệp THPT phải sử dụng tiếng Anh giao tiếp tốt thì căn cứ theo Khung Tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ (CEFR), học hết bậc tiểu học thì học sinh phải đạt trình độ ngoại ngữ cấp 1 là A1; hết THCS là A2; hết THPT là B1…

Tuy nhiên đây mới chỉ là sự phân loại hoàn toàn mang tính cơ học. Trên thực tế, để đạt đến trình độ C1, C2 không đơn giản, rất nhiều người bản xứ cũng khó đạt được. Trong khi đó, cái tôi cho rằng cần chú trọng hơn đó là việc dạy và học tiếng Anh phải gắn với thực tiễn công việc, cuộc sống đòi hỏi. Cụ thể, phải xác định rõ B1 của thầy giáo dạy tiếng Anh khác với B1 của cô giáo dạy lịch sử.

 TS Lê Văn Canh.

Nói dạy tiếng Anh trong trường ĐH cần theo ngành nghề là như thế. Cần xác định rõ năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh đối với từng ngành nghề một để đào tạo họ. Muốn làm được điều đó, đầu tiên là phải có chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề, trong đó chú trọng kỹ năng thay vì cách học dàn trải, đồng đều tất cả như hiện nay.

Học ngoại ngữ theo yêu cầu công việc đòi hỏi - điều này trên thực tế đã được nhiều trường ĐH, CĐ quan tâm. Theo ông, bên cạnh sự định hướng của nhà trường, giảng viên thì yếu tố tự thân của người học giữ vai trò thế nào?

- Học ngoại ngữ là quá trình lâu dài và gian khổ, trong quá trình đó sự tự giác của người học là quan trọng nhất. Phải thừa nhận không phải tất cả đối tượng học ngoại ngữ của chúng ta, trong đó có mấy triệu học sinh, sinh viên đều tự giác học ngoại ngữ cả. Nếu không tự giác thì không thể đạt được mục đích biến tiếng Anh thành thế mạnh của người dân Việt Nam như mục tiêu đặt ra. Việc dạy trên lớp có mức độ thôi. Hiện chúng ta đang mới dạy ở trên lớp mà quên mất một điều quan trọng là phải dạy kỹ năng tự học suốt đời. Muốn thế cần tạo cho học sinh có hứng thú học tập, cách dạy phải làm sao khiến người học cảm thấy có hiệu quả. Nếu học không có hiệu quả thì họ sẽ mất dần động lực học đi. 

Khái niệm sử dụng giỏi tiếng Anh ông nhắc đến ở đây, cụ thể là thế nào?

- Tôi lấy ví dụ thế này, tôi với bạn nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh có thể không thành thạo lắm nhưng hiểu nhau được, vậy là được. Quan trọng là mục đích công việc là gì. Hiện chúng ta đang đánh đồng mọi thứ, nói cách khác mọi người đang cùng khoác một cái áo sơ mi giống nhau. Sẽ không đạt được hiệu quả. Học sinh miền núi cần gì? Sinh viên ĐH, từng ngành một cần cái gì? Có phải học sinh tất cả đều cần một năng lực tiếng Anh như nhau không? Nếu không chia được cái đó thì không bao giờ đạt được kết quả. Đây là bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã áp dụng và không thành công, đã nhận ra sau khi thất bại. 

Ý của ông là đối tượng chuyên biệt?

- Học tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào cũng phụ thuộc nhu cầu, đòi hỏi của từng ngành nghề, điều tự mỗi trường quyết định, không ai quyết định hộ, không thể quyết định chung. Với tuỳ từng đối tượng mà xác định kỹ năng nào là quan trọng hơn - điều mà chỉ tự mỗi người căn cứ vào công việc, động cơ học tiếng Anh của mình để điều chỉnh, không ai quyết định thay được. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ