A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa: Cần quy định chặt chẽ khi biên soạn

08:30 | 13/11/2018

Để một bộ sách giáo khoa (SGK) phát hành rộng khắp cần trải qua nhiều lần thẩm định, thử nghiệm. Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống- Chủ biên chương trình môn Ngữ văn phổ thông mới,...

....điểm mới của lần này là công tác thí điểm SGK sẽ được thực hiện song song cùng với giai đoạn viết sách để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, khi hoàn thành sẽ triển khai đại trà.

Nhiều ý kiến băn khoăn khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Ảnh: Lê Vinh.

Lo “loạn sách”

Theo PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông cần có một số bộ SGK đồng bộ các môn học cho một cấp học, hoặc cho các cấp học, chứ không phải là có từng cuốn SGK riêng lẻ, ví dụ bộ SGK tiểu học phải bao gồm các sách Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và các sách về hoạt động trải nghiệm và sách cho các môn học tự chọn.

Nếu một nhóm tác giả chỉ thiết kế một cuốn sách dù là 1 năm học, 1 cấp học hay toàn bộ 12 năm học thì cũng vẫn thiếu sự liên quan đến các môn khác, rất khó đánh giá chất lượng. Vì vậy, theo ông Dong, nên có 4 đến 5 bộ là đã là nhiều. Còn nếu một Chương trình là cho phép đề xuất nhiều quyển SGK thì sẽ “loạn” sách, bởi người ta sẽ có hàng chục sách Tiếng Việt, hàng chục sách Toán... cuối cùng sẽ có vài trăm sách lớp 1, lúc đó, mọi người sẽ bị rối loạn khi chọn SGK.

Dưới góc nhìn khác, một chuyên gia giáo dục cho rằng việc một nhóm tác giả nếu viết trọn vẹn một bộ SGK tất cả các môn là rất khó khả thi. Bởi việc viết SGK không đơn giản nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí mà chương trình yêu cầu. Trong khi đó, kinh phí để viết sách là tự các tác giả bỏ tiền túi ra thực hiện… Như vậy, tổng kết lại sẽ chỉ có một số đơn vị mạnh về tiềm lực tài chính mới có thể theo đuổi được công việc này… 

Thêm nữa, về vấn đề thực nghiệm SGK, quy trình để một cuốn SGK được giảng dạy trong trường phổ thông trước đây quy định sau khi hoàn thành công tác biên soạn SGK, sẽ có một hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thông qua và đưa sách đi dạy thử nghiệm. Công tác thử nghiệm SGK mới sẽ diễn ra trong 2 năm ở một vài vùng miền khác nhau. Giáo viên dạy thử chương trình SGK mới, góp ý sửa đổi bổ sung qua từng năm. Kết thúc quá trình trên, SGK mới sẽ được triển khai đại trà trên cả nước.

Tuy nhiên, ở chương trình phổ thông mới, việc thử nghiệm này sẽ diễn ra song song với quá trình viết sách. Như vậy, chuyên gia này đặt vấn đề, mặc dù Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ xem xét trước khi triển khai đại trà nhưng cách làm này có quá vội vàng? Giáo dục nếu cứ thử nghiệm, sai thì sửa thì không ổn. Bởi sản phẩm đào tạo ra là con người, cần hết sức cẩn trọng. 

Không để nơi thừa, nơi thiếu

Có thể nói, mỗi cuốn SGK là hình thức cụ thể của chương trình đã được Bộ GDĐT thông qua. Với một chương trình, nhiều bộ SGK, hiện nhiều ý kiến lo lắng có sự chênh lệch giữa các bộ SGK sẽ dẫn đến khó khăn cho người học ở các vùng miền khác nhau. 

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng giáo dục phổ thông cần thống nhất chung cả nước, không thể nào quy định, chỗ này, chỗ kia được phát triển thêm đưa vào chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa… của địa phương mà không ghi rõ là chương trình nhiều hay ít, thời lượng là bao nhiêu, chiếm tỷ lệ bao nhiêu %.

Ông Hòa lấy ví dụ về cuốn sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục vừa qua gây tranh cãi trên truyền thông là biểu hiện của việc mỗi nơi dạy một kiểu. “Trường nào muốn dạy thì dạy, trường nào không muốn dạy là không dạy. Cùng trong một hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy. Bộ GDĐT đã giải thích nhiều kiểu, nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng” – ông Hòa cho hay. 

Chỉ ra một bất cập khác, ông Hòa cho biết đầu năm học vừa qua, tỉnh Đồng Tháp thiếu sách Toán và chữ Tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Lên TPHCM cũng không có nữa, qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có. Vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, SGK này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa. Từ thực tế chỗ nhiều SGK dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách dẫn đến SGK thiếu cục bộ, có nơi thừa SGK môn này, có nơi thiếu SGK môn khác. Vì vậy, muốn chương trình thực nghiệm đưa ra giảng dạy đại trà thì phải có tổng kết, rút kinh nghiệm. Cần có quy định hết sức chặt chẽ về một chương trình nhiều sách giáo khoa. 

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, hiện nay trong dự thảo Luật, vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ các quy định về việc biên soạn SGK. Cụ thể, chỉ với sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại mà đã có nhiều tranh cãi phức tạp như vừa qua, nay có thêm nhiều bộ SGK khác thì vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nhiều lần. Nếu Luật không quy định chặt chẽ thì rất khó cho công tác giảng dạy, nhất là nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được. Bởi nếu chỉ mỗi hiệu trưởng, thậm chí là tổ bộ môn giáo viên trong trường quyết định triển khai việc giảng dạy theo SGK nào thì có thể sẽ có phát sinh tiêu cực. Vì vậy, ngành Giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội.    

Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ