A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giỏi tiếng Anh để hội nhập

14:48 | 10/12/2018

Khi ra nước ngoài, nếu không có vốn ngoại ngữ nhất định, chắc chắn bạn sẽ không thể tự tin.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 với mong muốn Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn, gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục thực hiện điều này không hề dễ.

Được tiếp xúc thường xuyên với giáo viên bản ngữ trình độ tiếng Anh của học sinh sẽ nâng cao.

Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó

Rất nhiều ý kiến đồng tình quan điểm đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2. PGS.TS Nguyễn Thám (Giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm Huế) cho rằng, khi thực hiện điều này sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là khâu chuẩn bị cho quá trình giảng dạy. Bởi mặc dù hiện nay từ lớp 3 học sinh đã được học Tiếng Anh nhưng việc dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự ổn. Đúng ra phải học để sử dụng nhưng học sinh Việt Nam nhiều người vẫn chỉ có tâm lý học để thi, do đó hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc học Tiếng Anh đối với các thành phố lớn và phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể dễ dàng hơn nhưng ở những địa phương khó khăn thì việc học tập cũng sẽ không đơn giản.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để có tư duy toàn cầu khi sống trong môi trường toàn cầu thì tiếng Anh là một trong những điều kiện phải có. Do đó, đã đưa ra mục tiêu thì phải thực hiện và đã quyết tâm thực hiện thì phải thay đổi việc học ngoại ngữ, xem hiện nay rào cản của việc học ngoại ngữ là gì để tháo gỡ.

“Trước tiên chúng ta phải có đủ giáo viên để đảm bảo học sinh được học đúng số giờ và có đủ giáo viên trình độ để dạy. Thứ hai là các giáo viên môn khác cũng phải biết Tiếng Anh, điều này sẽ giúp ích cho giáo viên Tiếng Anh rất nhiều. Chẳng hạn khi dạy Vật lý về các định luật, quy luật, quá trình… nếu giáo viên vừa dạytiếng Việt vừa đưa thêm từ Tiếng Anh vào thì tự nhiên học sinh sẽ học thêm được những từ mới tiếng Anh, ngoài những tiết tiếng Anh chính thức. Phải nhúng vào môi trường tiếng Anh thì học sinh mới học được nhanh, hiểu được nhanh” - ông Dong phân tích.

Còn không ít rào cản

TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, khi xây dựng đề án 2020, đã đưa ra mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường. Nhưng nội dung này mới chỉ được bàn tới chứ chưa đưa vào thành mục tiêu chính thức trong đề án. Mục tiêu của đề án vẫn là dạy tiếng Anh như ngoại ngữ và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025. Để đạt được mục tiêu như đề án này, học hết lớp 12, học sinh có thể sử dụng tiếng Anh một cách độc lập, hoặc đạt được đến trình độ B1 thì cũng đã hết sức khó khăn, khả năng chỉ các thành phố lớn mới đạt được ở mức đại trà.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, khó khăn lớn nhất là đội ngũ giáo viên. Bởi, ngay tại các thành phố lớn, số giáo viên thực sự thành thạo tiếng Anh cũng không nhiều. Do đó việc đặt mục tiêu đến năm 2025, người học có thể sử dụng tiếng Anh một cách độc lập cũng khó khả thi trên phạm vi toàn quốc. Tính đến nay, đề án ngoại ngữ đã làm được nhiều, nhưng nhìn chung vẫn chỉ là những yếu tố mang tính điều kiện nền như có giáo trình, giáo viên tốt hơn. Song nếu mỗi tuần chỉ học vài tiết với các thầy cô giáo trên lớp, thi cử trên giấy thì không thể mong đợi kết quả quá lớn. Cái thiếu lớn nhất hiện nay là có 1 cộng đồng nói tiếng Anh. Chúng ta nên mời giáo viên bản ngữ vào nhiều hơn, nhưng điều này phát sinh chi phí lớn. 

Thành thạo tiếng Anh, cách gì?

Ai cũng mong muốn nhân rộng việc học tiếng Anh nhưng làm thế nào để thực hiện việc này? Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên học Malaysia, họ có lịch sử là cựu thuộc địa của Anh, nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Khi độc lập, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã ra quyết định đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của nước này và được dùng để giảng dạy các môn Toán, khoa học tự nhiên ngay từ bậc tiểu học. Đến năm 2012, Chính phủ Malaysia lại loại bỏ chính sách này, thời gian sau đó, trình độ tiếng Anh của người dân đi xuống và họ lại phải tiếp tục có chính sách để phục hồi. 

Theo bà Vũ Thị Phương Anh, dạy tiếng Anh nếu làm đại trà thì không khả thi, nhưng nếu làm ở các thành phố lớn, tăng cường đưa giáo viên bản ngữ vào để tạo cộng đồng nói tiếng Anh lại đặt ra bài toán về kinh phí. Trong bối cảnh, ngân sách còn hạn hẹp, cần xem xét có nên ưu tiên cho việc đầu tư để mời giáo viên bản ngữ hay không? “Tôi vẫn thiên về những chính sách không quá tốn kém và có tác dụng. Tôi cho rằng, nên tập trung vào các thành phố lớn. Những nơi có điều kiện nên dành ngân sách vào dạy tiếng Anh từ bậc mầm non, tiểu học nhiều hơn. Đây là giai đoạn quan trọng để phát triển ngôn ngữ và hình thành cho các em nền tảng về thứ tiếng này” - bà Phương Anh chia sẻ.

Để tiếng Anh có thể trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cần phải nhận thức rõ những khó khăn trong hoàn cảnh nước ta. Ở Việt Nam, tiếng Anh chưa phải ngôn ngữ phổ biến, dù lớp trẻ rất nhiều bạn nói được nhưng chưa phải số đông. Điều này khiến việc phổ cập tiếng Anh tới toàn dân khó khăn hơn. GS Thuyết cũng cho rằng đề xuất trên phải được đưa vào luật, được Quốc hội thông qua. “Cần phải xem nó có phù hợp Hiến pháp không, bởi Hiến pháp quy định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, đồng thời cần phải xem thẩm quyền của Quốc hội đến đâu để công nhận ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng”, GS Thuyết nói. Bên cạnh đó, nếu tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam, cần phải có sự thay đổi trong chương trình giáo dục, số tiết học Tiếng Anh phải nhiều hơn hiện nay.

GS Thuyết cũng đặc biệt nhấn mạnh động cơ học của trẻ, bởi việc học ngoại ngữ phải được các em học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản. “Khi có động cơ, người ta sẽ tranh thủ học bằng mọi cách. Nhà trường chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, còn mỗi cá nhân phải chủ động học thêm, như tự đọc sách, báo, nghe đài bằng tiếng Anh” - GS Tuyết nói.     

Ly Nguyễn

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ