A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Biên soạn sách giáo khoa riêng: Vẫn chờ chương trình khung

09:17 | 12/12/2018

Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh vừa qua, khi trả lời về vấn đề biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) dành riêng cho học sinh trên địa bàn, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết,...

...hiện vẫn đang chờ khung chương trình các môn học của Bộ GDĐT mới có thể tiến hành biên soạn bộ SGK riêng cho học sinh thành phố. 

Tránh độc quyền SGK là xu hướng tất yếu.

Chưa kịp cho năm học 2019- 2020

Theo ông Lê Hồng Sơn, việc TP Hồ Chí Minh tiến hành soạn bộ SGK riêng dành cho thành phố là thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” trong chương trình GDPT mới. Tuy mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất nhưng hiện đội ngũ chuyên gia vẫn chưa bắt đầu biên soạn được vì chưa có khung chương trình các môn học của Bộ GDĐT. Chỉ khi có khung chương trình các môn học, các chuyên gia mới bắt đầu soạn thảo. Soạn thảo xong còn phải trình Bộ GDĐT thẩm định, đạt yêu cầu và được Bộ cho phép mới được sử dụng. Do đó, chắc chắn năm học 2019 – 2020, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa kịp có được bộ SGK riêng. 

Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết, trong trường hợp Bộ GDĐT cho phép sử dụng thì bộ SGK này không chỉ dùng riêng cho TP Hồ Chí Minh mà các địa phương khác cũng có thể sử dụng nếu muốn. Đồng thời, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cũng không quy định bắt buộc các trường trên địa bàn thành phố phải dùng bộ SGK này mà tùy thuộc vào hội đồng chuyên môn của từng trường quyết định, Sở chỉ thống nhất ở phương pháp đánh giá học sinh.

Dẫu thế, vẫn còn có những băn khoăn về chất lượng cũng như sự lãng phí khi biên soạn bộ SGK riêng của TP Hồ Chí Minh. Về điều này, ông Lê Hồng Sơn cũng chia sẻ, bộ sách riêng của TP Hồ Chí Minh sẽ đạt chất lượng tốt vì đội ngũ chuyên gia mà Sở mời nhiều giáo viên giỏi ở các trường phổ thông, các chuyên gia có kinh nghiệm. Bộ sách này vẫn sẽ bám sát chương trình khung do Bộ GDĐT ban hành, nhưng có tính đặc trưng của thành phố, tích hợp các môn khoa học, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực người học.

Trước đó, từ đầu năm 2018 khi đại diện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay sẽ thử nghiệm bộ SGK riêng từ năm học 2019 thì vấn đề này cũng từng gây nhiều tranh cãi. Trong quá trình góp ý về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, tại TP Hồ Chí Minh, một số nhà quản lý, nhà giáo cũng bày tỏ những băn khoăn về việc làm SGK riêng của thành phố. Khi ấy, đại diện Sở GDĐT cho hay, Bộ GDĐT đã có văn bản cho phép thành phố phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ SGK theo chương trình mới. Tuy nhiên, Sở không đứng ra làm bộ SGK mà chỉ đóng vai trò góp ý về chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và giới thiệu những nhà giáo giỏi viết SGK để cùng NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện bộ SGK này.

Chờ công bố chương trình khung 

Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, chương trình GDPT mới (GDPT tổng thể) sẽ được công bố trong tháng 12 này. GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên của chương trình GDPT mới cho hay, thực tế các khâu đã xong, nhưng Bộ GDĐT đang xin ý kiến của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan.

Như vậy, tính đến thời điểm này, việc công bố chương trình GDPT mới đã chậm hơn so với dự kiến. Trước đó, thẩm tra dự án, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch.

Phân tích về chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Dù Bộ rất muốn nhiều người cùng tham gia biên soạn SGK, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện ai cũng viết được. Do vậy, phải có định hướng, tránh tình trạng nhiều người đều tham gia dẫn đến những cái không tốt cho giáo dục.

Để một bộ SGK phát hành rộng khắp cần trải qua nhiều lần thẩm định, thử nghiệm, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn phổ thông mới, điểm mới của lần này là công tác thí điểm SGK sẽ được thực hiện song song cùng với giai đoạn viết sách để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, khi hoàn thành sẽ triển khai đại trà.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, chương trình GDPT cần có một số bộ SGK đồng bộ các môn học cho một cấp học, hoặc cho các cấp học, chứ không phải là có từng cuốn SGK riêng lẻ, ví dụ bộ SGK tiểu học phải bao gồm các sách Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và các sách về hoạt động trải nghiệm và sách cho các môn học tự chọn.Nếu một nhóm tác giả chỉ thiết kế một cuốn sách dù là 1 năm học, 1 cấp học hay toàn bộ 12 năm học thì cũng vẫn thiếu sự liên quan đến các môn khác, rất khó đánh giá chất lượng. Vì vậy, theo ông Dong, nên có 4 đến 5 bộ là đã là nhiều. Còn nếu một Chương trình là cho phép đề xuất nhiều quyển SGK thì sẽ “loạn” sách, bởi người ta sẽ có hàng chục sách Tiếng Việt, hàng chục sách Toán... cuối cùng sẽ có vài trăm sách lớp 1, lúc đó, mọi người sẽ bị rối loạn khi chọn SGK.

Dưới góc nhìn khác, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc một nhóm tác giả nếu viết trọn vẹn một bộ SGK tất cả các môn là rất khó khả thi. Bởi việc viết SGK không đơn giản nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí mà chương trình yêu cầu. Trong khi đó, kinh phí để viết sách là tự các tác giả bỏ tiền túi ra thực hiện… Như vậy, tổng kết lại sẽ chỉ có một số đơn vị mạnh về tiềm lực tài chính mới có thể theo đuổi được công việc này. 

Tiến tới xóa bỏ độc quyền SGK là xu thế tất yếu, nhưng việc biên soạn nhiều bộ SGK cùng lúc cũng đang đặt ra vấn đề thẩm định chất lượng SGK được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Hơn nữa, theo PGS.TS Phạm Tất Dong, hiện nay trong dự thảo Luật, vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ các quy định về việc biên soạn SGK. Cụ thể, chỉ với sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại mà đã có nhiều tranh cãi phức tạp như vừa qua, nay có thêm nhiều bộ SGK khác thì vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nhiều lần. Nếu Luật không quy định chặt chẽ thì rất khó cho công tác giảng dạy, nhất là nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được.  

 Minh Quang

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ