A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Tây Nguyên

14:26 | 30/01/2014

Với sự phát triển vượt bậc về số lượng, quy mô, chất lượng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, những năm gần đây Dak Lak đang dần trở thành “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Mỗi năm có vài nghìn cử nhân, kỹ sư, công nhân có tay nghề ra trường, có cơ hội cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Nếu như trước đây, cơ sở giáo dục sau trung học phổ thông của Dak Lak chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, Trung cấp Sư phạm Mầm non, Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên… thì hiện nay đã nâng lên 14 đơn vị (chưa kể chi nhánh của các trường đại học mở tại tỉnh). Bên cạnh cơ sở giáo dục công lập, từ sau năm 2000 đến nay, tỉnh Dak Lak đã huy động tốt các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Chỉ riêng khối trung cấp chuyên nghiệp, trong tổng số 8 trường và 2 phân hiệu, thì 50% là trường ngoài công lập. Với ưu thế tự chủ về tài chính, nhân lực, các trường ngoài công lập dành phần lớn nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo. Đó cũng là thế mạnh để các trường thu hút sinh viên trong điều kiện khó khăn về nguồn tuyển sinh. 

Giờ thực hành thực vật dược của sinh viên Trường Trung cấp Tây Nguyên.
Giờ thực hành thực vật dược của sinh viên Trường Trung cấp Tây Nguyên.

Một trong những giải pháp quan trọng đang được nhiều cơ sở đào tạo - dạy nghề trên địa bàn tỉnh áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả là tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động; tăng cường liên kết với đơn vị sử dụng lao động để vừa học vừa thực hành, hạn chế tình trạng “học chay”, giúp người học làm quen với công nghệ, môi trường làm việc… Sinh viên được đào tạo theo hình thức này khi ra trường cơ bản đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Bà Trần Thị Thiết, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho 5/8 ngành, coi đó là sự cam kết đối với xã hội về chất lượng đào tạo. Chuẩn đầu ra được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD-ĐT và tham khảo ý kiến phản hồi từ các đơn vị sử dụng lao động do trường đào tạo. Trường khuyến khích và tạo điều kiện để giảng viên đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. Một thuận lợi nữa đối với học sinh các ngành kỹ thuật, xây dựng là được nhà trường cho thực hành tại các công trình xây dựng. Đối với 3 ngành mới mở là y sĩ, dược sĩ và điều dưỡng, nhà trường hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh để các em thực tập. Hình thức “cầm tay chỉ việc” đã giúp các em nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề”. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên Ralan Vonga chia sẻ: “Mấu chốt để nâng cao chất lượng dạy nghề là phải gắn nhà trường với doanh nghiệp. Ngoài bố trí giáo viên có năng lực, tâm huyết giảng dạy, nhà trường còn thành lập phòng Sản xuất - Dịch vụ với nhiệm vụ chính là tổ chức các chuyến thực tập, tìm kiếm việc làm cho học sinh, thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp liên kết đào tạo. Hiện nay, Trường đã có quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều địa phương, hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận hợp tác khung thời hạn 5 năm. Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Về phía doanh nghiệp, “đặt hàng” nguồn nhân lực sẽ giúp họ có được lực lượng lao động phù hợp yêu cầu mà không mất thời gian đào tạo lại. Với sinh viên, các em yên tâm vì có “đầu ra” thuận lợi, phù hợp với nghề đã học tại trường; đồng thời, được đào tạo một cách tập trung, chuyên sâu, thực hành ở môi trường thực tế nên khi ra trường sẽ nhanh chóng tiếp cận với công việc được giao. Còn với nhà trường sẽ nắm bắt những yêu cầu cụ thể về nghiệp vụ, kỹ năng, số lượng, quy mô lao động để có kế hoạch đào tạo. Với cách thức trên, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm nâng lên rõ rệt. Theo kết quả điều tra “theo dấu vết” của học sinh, sinh viên tốt nghiệp của Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề năm 2010 (tổ chức ILO) thì tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề dài hạn của trường tìm được việc làm 12 tháng sau khi ra trường trung bình đạt gần 80%. Còn theo kết quả điều tra đánh giá độc lập của WB vừa được thực hiện hồi đầu năm 2013 thì tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm là trên 70%, trong đó có hàng trăm em làm việc tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa và xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đứng chân trên địa bàn tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ nói chung. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều yếu kém, hạn chế. Điều này đã được bà H’Ngăm Niê K’dăm, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ ra tại Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực cho địa bàn Tây Nguyên tổ chức hồi cuối tháng 9-2013: “Tây Nguyên là vùng kinh tế động lực với nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một yêu cầu bức thiết để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng”. Nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cho rằng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất thiết đào tạo phải gắn liền với nhu cầu xã hội, gắn nhà trường với phía sử dụng lao động, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, học sinh; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới giáo trình, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học (biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo)… Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động xã hội để sinh viên rèn luyện các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng và tinh thần. Trường từng bước xây dựng thương hiệu, trong đó ưu tiên một số ngành truyền thống có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Còn bà Trần Thị Thiết, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên cho rằng, thành công trong đào tạo nghề đòi hỏi sự thay đổi tư duy từ cả hai phía nhà trường và bên sử dụng lao động. Thật ra, có rất nhiều cơ hội để tạo ra các mối liên kết tốt hơn giữa người sử dụng lao động và các trường nghề, chẳng hạn như thông qua sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp vào việc xác định nội dung đào tạo, tạo điều kiện nhiều hơn cho học sinh sinh viên thực tập và tuyển dụng, cũng như dành một khoản tài chính đáng kể hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho các trường.

Sinh viên khoa điều dưỡng Trường Trung cấp Tây Nguyên thực hành tiêm tĩnh mạch.
Sinh viên khoa điều dưỡng Trường Trung cấp Tây Nguyên thực hành tiêm tĩnh mạch.

Mới đây kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VIII đã thông qua Quy hoạch đào tạo phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, hệ thống giáo dục  đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bảo đảm nhu cầu học tập của xã hội và nhân lực thị trường lao động của Dak Lak và khu vực. Cụ thể đến năm 2015 toàn tỉnh có 4 trường đại học, 4 trường cao đẳng chuyên ngành và 6 trường trung cấp nghề; đến năm 2020 là  6 trường đại học, 5 trường cao đẳng và 4 trường trung cấp chuyên nghiệp. Với định hướng này cùng các biện pháp tích cực, Dak Lak đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực Tây Nguyên, đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực ở các ngành: sư phạm, kinh tế, nông-ngư, kỹ thuật-công nghệ. Và TP. Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao cấp vùng; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Dak Lak theo đúng tinh thần Quyết định số 1181/QĐ-TTG ngày 7-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Lê Ngọc- Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ