A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Tránh tập huấn hình thức

08:55 | 22/12/2018

Sau nhiều lần trì hoãn, đến nay Bộ GDĐT vẫn chưa công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Trong khi đó, việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT mới,...

 đặc biệt là dạy các môn tích hợp đang được đặt ra riết róng. Câu hỏi đặt ra là, cơ sở nào để các trường triển khai việc đào tạo này khi chương trình chi tiết các môn học chưa có? 

Vẫn còn tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Mong sớm công bố Chương trình GDPT mới

Theo Chương trình GDPT tổng thể do Bộ GDĐT ban hành tháng 7/2017, các môn học ở từng cấp học sẽ có sự thay đổi so với hiện hành. Trong đó, xuất hiện nhiều môn học tích hợp là phần các giáo viên trước đây chưa được đào tạo trong trường sư phạm. 

Để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên, GS.TS Đặng Văn Soa- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, hiện nay nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên các trường phổ thông… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý. 

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho biết, ngay từ khi dự thảo các môn học đề cập đến việc tích hợp liên môn, các nhà trường sư phạm đã cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc. Thời điểm đó, các trường đã dự tính môn học mới theo xu thế thế giới, Việt Nam cũng không thể đi riêng. Vì vậy, những chuyên đề như tích hợp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ cũng đã có sự chuẩn bị. 

Chính vì thế, ngay trong việc đào tạo sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cụ thể với một số môn liên quan về nghệ thuật, sinh viên ra trường từ năm 2018 ở các khoa, ngành này sẽ đảm bảo chất lượng có thể giảng dạy theo yêu cầu GDPT mới. Với các môn học khác, từ cách đây mấy năm, nhà trường đã xây dựng thành các chuyên đề và gửi cho nhiều sở để lấy ý kiến phản hồi về chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên… Việc này được thực hiện liên tục và đến thời điểm này, nhà trường đang rà soát để làm sao việc bồi dưỡng diễn ra tốt nhất ở giai đoạn tới, để giáo viên yên tâm rằng khi có chương trình thì các trường sư phạm sẽ bồi dưỡng để đảm đương được. 

Về phía Bộ GDĐT cũng đã ban hành Đề án về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên. Tuy nhiên, việc trì hoãn công bố Chương trình GDPT mới khiến nhiều người băn khoăn rằng quá trình xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng liệu có sát với thực tế chương trình môn học sẽ công bố? Đành rằng có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước khác nhưng chắc chắn sẽ có những nội dung khác, chẳng hạn phần nội dung đào tạo của địa phương thì các giáo viên cần chuẩn bị những gì? 

Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới sẽ chính thức triển khai từ năm học 2020-2021 nhưng để giáo viên có sự chuẩn bị tốt nhất, Bộ cần sớm công bố Chương trình GDPT mới để công tác bồi dưỡng giáo viên có cơ sở triển khai hiệu quả. 

Khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo một số vụ, cục về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình GDPT mới - diễn ra tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ ra một số bất cập. Cụ thể, nội dung chương trình còn chung chung, nặng trang bị thông tin mà chưa gắn với nhu cầu thực tế; các dạng thức, sản phẩm tài liệu chưa phù hợp; phương pháp bồi dưỡng chưa đa dạng; chưa quan tâm đến khâu kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra; chất lượng tập huấn, bồi dưỡng thấp.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, việc có nhiều đầu mối tham gia tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng dẫn tới chồng chéo, trùng lắp nội dung tập huấn. Quan trọng hơn là chưa tạo được động lực để giáo viên coi việc đào tạo, bồi dưỡng là nhu cầu của bản thân, nên nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mới chỉ dừng lại ở việc “điểm danh, ghi tên”.

Từ đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các vụ, cục tiến hành rà soát toàn bộ các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng cán bộ quản lý và bồi dưỡng nâng hạng hiện nay, từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu và theo chuẩn đầu ra, gắn chặt chẽ với triển khai chương trình GDPT mới.

Nhấn mạnh tới yếu tố tự học trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại việc chuẩn bị các dạng thức, sản phẩm tài liệu phải phù hợp, trong đó sản phẩm dạng trực quan sinh động thông qua các video clip hướng dẫn. Tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp bồi dưỡng để xóa bỏ dần phương pháp tập huấn truyền thống - tập trung về cùng một địa điểm - vừa tốn kém, lãng phí lại không hiệu quả.

“Phải khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá. Có như vậy, giáo viên mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn”- ông Nhạ nêu rõ.

Góp ý vào việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ- thành viên nhóm biên soạn chương trình SGK mới cho rằng, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải theo hướng thực học, thực nghiệp và định hướng vào công nghệ mới. Phải gắn đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với thực tiễn dạy học. Cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ giáo dục tiên tiến, áp dụng đào tạo online, kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, giáo viên, giáo sinh tập sự trong hệ thống nối mạng mở rộng và thống nhất trong toàn quốc và trên toàn cầu.  

 Thu Hương

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ