A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục: Những kỳ vọng

16:46 | 28/12/2018

Năm 2018, những nỗ lực cải tiến thi cử; đổi mới tuyển sinh sư phạm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn; lắng nghe đóng góp từ người dân để hoàn thiện sách giáo khoa...

...và chương trình giáo dục phổ thông mới… của ngành Giáo dục đã và đang nhen lên những kỳ vọng về sự đổi mới giáo dục, cũng như đưa giáo dục nước nhà đi đúng quỹ đạo. 

1. Theo báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn - Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương được  Ngân hàng thế giới (WB) công bố trong năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển “thực sự ấn tượng” trong đổi mới giáo dục (GD). 

Báo cáo cho thấy Việt Nam cùng 7 nước khác trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương có kết quả GD rất ấn tượng. Trong đó, Việt Nam là một hiện tượng nổi bật. Thông thường các số liệu cho thấy kết quả học tập của HS tỉ lệ thuận với mức phát triển kinh tế của quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người. Riêng Việt Nam có một “cú nhảy” ngoạn mục, kết quả GD vượt lên rất nhiều so với mặt bằng kinh tế hiện nay của đất nước.

Đại diện WB cũng nhận định, chất lượng giáo viên của Việt Nam có ảnh hưởng đáng kể tới tới chất lượng giáo dục phổ thông.Việt Nam đang tiến hành đổi mới chương trình GDPT, để tiếp tục nâng cao chất lượng GD, đòi hỏi giáo viên phải hiểu mục tiêu, kết quả đầu ra mong đợi của chương trình GD rất kỹ, và công tác đào tạo, bồi dưỡng GV cần giúp cho họ hiểu được chương trình và các chuẩn đầu ra của chương trình cũng như là yếu tố cấu thành các năng lực cần thiết của HS khi tốt nghiệp phổ thông. “Đây là một nét đổi mới, WB thấy Bộ GDĐT đang đi rất đúng hướng. Hi vọng trong quá trình thực hiện sẽ đạt được mục tiêu đề ra”- bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của WB bày tỏ.

2. Đánh giá của WB đã đưa ra cái nhìn tổng thể, khách quan về những nỗ lực của GD Việt Nam; cũng như những yếu tố có sức tác động tới chất lượng GD phổ thông. Trên thực tế, một trong những giải pháp đổi mới quyết liệt dễ nhận thấy, đó là sự thay đổi phương thức tuyển sinh ngành sư phạm ngay trong năm 2018. Theo đó, ngành sư phạm đã có mức điểm sàn riêng để nâng chuẩn đầu vào. Tiến tới sẽ không miễn học phí với đào tạo ngành sư phạm để tránh lãng phí và thu hút sinh viên (SV) giỏi.  

Dẫu thế, vẫn còn đó băn khoăn lớn về chính sách tuyển dụng GV, cũng như chế độ đãi ngộ đối với các thầy cô đứng lớp. Nhà giáo hôm nay đang phải chịu nhiều áp lực. Trước hết đó là áp lực từ công cuộc đổi mới. Tiếp đến là yêu cầu đòi hỏi cao và chính đáng của HS, phụ huynh cũng như kỳ vọng của xã hội.

Trong khi lao động sư phạm là lao động đặc biệt, vừa là lao động khoa học vừa là lao động mang tính sáng tạo, song có một thực tế là lâu nay không ít GV vẫn chưa sống được bằng đồng lương của mình. Thu nhập của nhà giáo luôn là trăn trở của cả người trong và ngoài ngành GD. Chuyện những thầy giáo luyện thi có mức lương khủng, những cô giáo mê mải dạy thêm cả dịp hè kiếm bộn tiền… thực chất không đại diện cho thu nhập chung của ngành GD.

Nghề giáo trong mắt của nhiều người vẫn là nghề vất vả, thời nay thì đó còn là một trong số những nghề phải đối mặt với hiểm nguy, với bạo lực học đường. Vậy đổi mới GD phải bắt đầu từ đâu? Mang băn khoăn này gặp các chuyên gia, phần lớn câu trả lời đều giống nhau. Rằng điều chúng ta phải thay đổi đầu tiên hiện nay là chính sách về tiền lương cho GV. Hiện tiền lương rất thấp để cho GV có thể yên tâm giảng dạy. Tuy không cần phải quá cao nhưng chí ít cũng phải đủ để họ yên tâm nuôi sống bản thân mình, nuôi sống được gia đình mình.

Trong quá trình góp ý cho Luật GD (sửa đổi) vừa rồi, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương GV, từ đó bảo đảm nhà giáo có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong GD và trong xã hội. Bởi chính sách lương GV là nhân tố quyết định chất lượng GV. 

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để GV phải thực an tâm, họ mới hết mình cống hiến. Theo đó, ngay trong năm 2018, Bộ GDĐT đã thực hiện rà soát số lượng thừa thiếu GV của từng môn học, từng bậc học, đồng thời, xây dựng phần mềm thống kê số lượng GV và ban hành chuẩn GV trên hệ thống trực tuyến. Bộ GDĐT đang thực hiện rà soát và dự đoán lượng gia tăng của dân số để theo dõi sự biến động sĩ số cấp học đầu tiên. Từ đó nắm bắt các thông số, giúp đưa ra dự báo thừa thiếu GV giữa các địa phương.  

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trong sửa Luật Viên chức tới đây, Bộ đề nghị phải đưa quy định riêng với nhà giáo để thể hiện được sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò, vị thế của GV. Cụ thể, Bộ GDĐT chuẩn bị đề xuất trong Luật về nhà giáo, đảm bảo chế độ đãi ngộ thang bảng lương đối với giáo viên có thêm những ưu tiên phù hợp với thực tế và Nghị quyết Trung ương 8 Khoá XI đã ban hành trước đây.

3. Vấn đề bạo lực học đường xảy ra thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, nghề nào cũng sẽ có những áp lực riêng, nhưng không phải vì thế mà có những biểu hiện đi ngược lại phẩm chất và chuẩn mực. Những việc làm không đúng là không thể chấp nhận được. Không thể đổ cho áp lực. Thầy cô vin vào áp lực và có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực giáo dục thì chúng ta không chấp nhận. Nhưng không phải vì một số cá biệt ấy mà khái quát lên làm cho phần lớn các thầy cô rất đau lòng, lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là chưa đúng thì sửa sai, không sửa được thì phải loại ra khỏi ngành. Những thầy cô làm tốt cần được động viên, khích lệ.

Sau hàng loạt vụ bạo hành diễn ra trong môi trường học đường, gần đây nhất Bộ GDĐT đã có công văn gửi các sở GDĐT về việc phải chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Bộ GDĐT nhấn mạnh, cần phải nhận thức về những vụ việc GV vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc đối với ngành để mỗi giáo viên, mỗi nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.    

Minh Quang

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ