A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học: Thắp sáng ngọn lửa đam mê sáng tạo

11:46 | 14/02/2014

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học lần thứ I năm học 2013-2014 tổ chức đầu tháng 1-2014 đã thu hút nhiều cá nhân, đơn vị tham gia với nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao được hình thành từ t

Xe môi trường đô thị đa năng

Gây ấn tượng với Ban Giám khảo về đề tài mô hình “Xe môi trường đô thị đa năng” của tác giả Lê Đức Thông, lớp 11A2, Trường THPT Lê Hữu Trác xuất sắc đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) bởi ý tưởng sáng tạo của mô hình. Thông chia sẻ: “Thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) có 8 tổ dân phố nhưng việc thu gom, xử lý rác thải chỉ do một số công nhân của Công ty vệ sinh môi trường đô thị Cư M’gar thực hiện. Việc thu gom, xử lý rác thủ công nên chất lượng vệ sinh môi trường có những thời điểm chưa tốt, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân”. Từ thực trạng trên, Thông nảy ra ý tưởng chế tạo xe ôtô điều khiển từ xa có nhiều chức năng phục vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường đô thị. Xe chuyên dụng này có 7 bộ phận: khung xe, hệ thống truyền động, hệ thống quét rác, máng nghiêng chuyển rác, thùng chứa rác, hệ thống chuyển rác ra khỏi xe, hệ thống tưới nước. Như một kỹ sư thực thụ, Thông cho biết đã vận dụng những kiến thức vật lý được học như: chuyển động tịnh tiến, chuyển động quay đều, nguyên tắc thu phát sóng vô tuyến để thiết lập nguyên tắc hoạt động cho xe... Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo, xe môi trường đô thị đa năng hoạt động tốt, có khả năng ứng dụng cao. Loại xe này chỉ cần một người vận hành trong khi khối lượng công việc tăng lên, và quan trọng là bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động. “Hạn chế lớn nhất của sản phẩm này là xe chỉ hoạt động ở nơi có địa hình bằng phẳng, tốc độ di chuyển còn chậm” -  Thông trăn trở.

Sản phẩm thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện - Cơ khí, Vật lý - Thiên văn học trưng bày tại Hội thi.
Sản phẩm thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện - Cơ khí, Vật lý - Thiên văn học trưng bày tại Hội thi.

 Đèn báo hiệu giao thông

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trước cổng trường cũng như các ngã tư, đường cua gấp trên địa bàn xã Ea Na (huyện Krông Ana),  3 học sinh lớp 11A1 Trường THPT Phạm Văn Đồng gồm: Vũ Hoàng Bảo, Đinh Văn Cương và Nguyễn Văn Tiến Anh nảy sinh ý tưởng cần có một thiết bị chuyên dụng giúp người tham gia giao thông nhận ra vị trí nguy hiểm để đề phòng TNGT. Sau nhiều lần thảo luận, cả nhóm quyết định vận dụng kiến thức phổ thông chế tạo đèn báo hiệu  giao thông chạy bằng phong điện. Vũ Hoàng Bảo cho biết: “Hiện nay, năng lượng hóa thạch đang cạn dần, trong khi việc sử dụng năng lượng này lại gây ô nhiễm môi trường nên năng lượng gió có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Đặc biệt, chi phí xây dựng một trạm phong điện giảm xuống, chỉ còn ¼ so với nhiều năm trước”. Các thành viên trong nhóm đã sử dụng những vật liệu bỏ đi để chế tạo trạm điện gió gồm các bộ phận: máy phát điện, ắc quy trữ điện, hệ thống điều khiển tự động đèn tín hiệu giao thông. Nhóm đặt hệ thống thử nghiệm trước cổng trường THPT Phạm Văn Đồng để theo dõi tính năng cũng như lấy ý kiến của thầy cô, học sinh và người dân sống gần cổng trường nhằm điều chỉnh chế độ hoạt động thiết bị cho phù hợp. Học sinh trong trường thấy thích thú với hệ thống đèn tín hiệu giao thông này, qua đó ý thức hơn trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là lúc băng qua Tỉnh lộ 2 để vào trường; còn người tham gia giao thông lại chú ý giảm tốc độ khi lưu thông qua cổng trường. Tuy nhiên do thời gian còn hạn chế, điều kiện kinh phí không cho phép nên nhóm chưa thể ghi nhận hết những kết quả tích cực của thiết bị cũng như chưa thể đưa sản phẩm đến đặt tại các nút giao thông khác. “Chúng em rất mong nhà trường liên hệ với Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Krông Ana để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với nhóm nghiên cứu, đồng thời cho phép nhóm đặt thử nghiệm thiết bị tại những điểm nóng về ATGT trên địa bàn” - Vũ Hoàng Bảo mong muốn.

Ông Nguyễn Tường Hiệp, Phó Phòng THPT (Sở GD-ĐT) cho biết, mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng Cuộc thi KHKT lần này đã thu hút 62 đề tài khoa học đến từ 21 trường THPT, Phổ thông DTTN và phòng GD-ĐT của 129 tác giả, nhóm tác giả được chọn dự thi cấp tỉnh trong năm học 2013-2014. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: Khoa học xã hội - hành vi, Khoa học thực vật, Công nghệ Thông tin, Hóa học - Sinh học, Khoa học trái đất, Kỹ thuật điện - Cơ khí, Vật lý - Thiên văn học, Toán học. Ba dự án đoạt giải Nhì gồm: Chuông điện thông minh của nhóm tác giả Bùi Tiến Đạt, Hoàng Văn Thim, Nguyễn Minh Phúc (Trường THPT Phan Đình Phùng); Chế tạo mô hình xe môi trường đô thị đa năng - Lê Đức Thông (Trường THPT Lê Hữu Trác) và Đèn báo giao thông ở các ngã tư nông thôn và trường học sử dụng  máy phát điện bằng sức gió công suất nhỏ -Vũ Hoàng Bảo, Đinh Văn Cương, Nguyễn Văn Tiến Anh (Trường THPT Phạm Văn Đồng) được chọn tham dự kỳ thi cấp quốc gia.

Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ