A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hoa mắt với… sách giáo khoa

08:26 | 01/03/2019

Tình trạng hoa mắt với sách tham khảo hiện nay liệu có xảy ra khi sắp tới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội?

SGK được bày bán trong một nhà sách.

Tiêu chí nào để lựa chọn SGK?

Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT qui định “thực hiện xã hội hoá biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học”. Như vậy, sắp tới khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, một chương trình sẽ có nhiều bộ SGK.  

Mặc dù đây là xu hướng chung của thế giới và nhiều nước phát triển đã thực hiện trước Việt Nam, những bài học kinh nghiệm đã có nhưng lần đầu triển khai ở Việt Nam chắc chắn sẽ không tránh khỏi lúng túng. Trước hết, một đòi hỏi rõ ràng từ thực tiễn đó là sự chuyển động lớn từ đội ngũ giáo viên để không phụ thuộc hoàn toàn việc dạy học chỉ vào duy nhất một cuốn SGK mà cần tham khảo, bổ sung, cập nhật thông tin kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, làm sao để chọn được bộ sách, cuốn sách phù hợp trong bối cảnh nhiều cuốn sách được phát hành? 

Nhìn từ rừng sách tham khảo các môn học hiện nay, câu hỏi trên không phải là không có cơ sở. Nếu dạo một vòng quanh các nhà sách, hiệu sách lớn, nhỏ ở Hà Nội, phụ huynh, học sinh sẽ không khỏi choáng ngợp trước hàng trăm đầu sách hướng dẫn ôn tập, tài liệu tham khảo, bộ đề thi trắc nghiệm… của các nhà xuất bản. Chỉ riêng một môn toán lớp 12, kệ sách tham khảo ở Nhà sách Trí Đức (đường Láng, Hà Nội) cũng có tới hơn 20 đầu sách bài tập và sách nâng cao của các nhà xuất bản khác nhau. Với các loại trình độ, khối lớp học khác, tình trạng “trăm hoa đua nở” sách tham khảo cũng không khác bao nhiêu. Tất nhiên, tùy theo nhu cầu, người mua có thể lựa chọn sách tham khảo phù hợp cho mình. 

Tuy nhiên, nếu như nhà trường/giáo viên đưa ra một danh sách các cuốn sách tham khảo, sách bài tập nên mua trong năm học thì đa số phụ huynh sẽ cố gắng tìm mua bằng được để phục vụ cho việc học của con. Thậm chí, có những cuốn sách bài tập, cô giáo sẽ giao và kiểm tra bài làm ở nhà thì có phụ huynh nào từ chối được?

Vậy, với câu chuyện SGK sắp tới, liệu tình trạng này có xảy ra? 

Từ trước đến nay, SGK là tài liệu  bắt buộc trong việc dạy và học trong nhà trường. Với chương trình GDPT mới, việc lựa chọn cuốn SGK nào để dạy hiện vẫn đang là một câu hỏi lớn khi tiêu chí để lựa chọn vẫn còn khá mông lung. Mặc dù, theo lý thuyết, người dân có quyền được lựa chọn các sản phẩm phù hợp và tốt nhất với mình. Nhưng nếu như nhà trường không muốn dạy cuốn SGK đó mà là cuốn khác thì sao? Thậm chí, học sinh cũng là người trực tiếp sử dụng cuốn SGK này đề xuất muốn học cuốn khác thì sẽ thế nào? Mỗi tỉnh một sách hay mỗi trường, mỗi thầy cô một cuốn sách? Rối rắm trong vấn đề này đến nay vẫn còn là băn khoăn của nhiều thầy cô trực tiếp đứng lớp và cũng là của dư luận khi lo ngại tình trạng “đi đêm” có thể xảy ra để SGK được học trong nhà trường. 

Vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định SGK 

Theo Thông tư quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn SGK cũng như tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK, SGK mới sẽ phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn từ điều kiện tiên quyết, thể hiện mục tiêu, nội dung, cấu trúc cho tới hình thức trình bày với tất cả 19 tiêu chí khác nhau. 

Trước khi phát hành rộng rãi, cuốn sách này cần được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua. “Người gác cửa” quan trọng này được Thông tư quy định rõ bao gồm ít nhất là 7 người, trong đó ít nhất 1/3 tổng số phải là giáo viên dạy tại các cơ sở GDPT. Mỗi hội đồng thẩm định có nhiệm vụ thẩm định toàn bộ các bộ SGK, SGK của một môn học của các lớp ở một cấp học.

Thành viên hội đồng thẩm định phải là người đã tham gia xây dựng chương trình hoặc biên soạn SGK (nhưng không phải SGK được thẩm định); hoặc có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy ở cơ sở GDPT; hoặc có đóng góp khác liên quan đến xây dựng, thực hiện chương trình, SGK.

Từng tham gia biên soạn SGK hiện hành, PGS.TS Trần Kiều- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, các bộ SGK, SGK sắp tới sẽ được thẩm định bởi cùng một hội đồng thẩm định với các tiêu chí khắt khe nên chất lượng chắc chắn phải đạt chuẩn mới được thông qua. 

Tuy nhiên, để đánh giá việc bộ SGK nào có chất lượng cần được sàng lọc trên thị trường giáo dục thông qua khách hàng người học, thầy cô giáo và các cơ sở giáo dục và cần thời gian để sàng lọc. Như vậy, thời gian đầu, SGK sẽ đến với người học thông qua kênh tiếp thị, giới thiệu sản phẩm từ các nhà xuất bản. Để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất bản, của các công ty phát hành SGK, Bộ GDĐT cần xem xét kỹ việc các cơ sở giáo dục chọn lựa SGK. 

Một yếu tố tác động đến việc lựa chọn SGK khác là giá thành của cuốn sách có phù hợp với phần đông thu nhập của phụ huynh vùng đó hay không? Theo các chuyên gia, việc in ấn thiết kế đẹp sẽ là một điểm cộng cho cuốn sách, thậm chí giúp học sinh hứng thú với cuốn sách hơn nhưng liệu có làm tăng chi phí phát hành khiến một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn phải tăng thêm gánh nặng mua sách đầu năm học? Bên cạnh đó, chưa hẳn giá thành cao hay hình thức đẹp đồng nghĩa với chất lượng của cuốn sách tốt, phụ huynh cần tỉnh táo để có ý kiến góp ý trong việc lựa chọn SGK.     

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ