A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thi THPT quốc gia 2019: Tìm giải pháp chống gian lận

08:35 | 07/03/2019

Bộ GDĐT đã công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở GDĐT và các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) bởi yếu tố con người luôn là quan trọng nhất.

Kiểm tra thí sinh vào phòng thi tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM. Ảnh: Minh Giảng.

Nâng cao vai trò trách nhiệm trường ĐH,CĐ

Năm 2019, để tăng cường tính khách quan, nghiêm túc, vai trò của trường ĐH, CĐ sẽ được tăng cường hơn các năm trước. Cụ thể, một điều chỉnh rất lớn của năm nay là giao cho các trường ĐH cùng chấm trắc nghiệm và phần mềm chấm trắc nghiệm đã được điều chỉnh, được chạy thử và tương đối yên tâm. Trong đó, các khâu từ ảnh của thí sinh đến bài thi và dữ liệu khác… đều được mã hóa, sao cho không có mối liên hệ giữa thí sinh và người chấm. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường trách nhiệm của cán bộ các trường ĐH,CĐ trong tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi. 

Đó là nội dung của Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý rộng rãi. 

Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT khẳng định: Hiện nay, tuyệt đại đa số cơ sở giáo dục ĐH vẫn đang sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Tham gia góp phần đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc hơn, kết quả tin cậy hơn, cũng có nghĩa là đầu vào của các trường tin cậy hơn. Do đó, việc các trường ĐH tham gia vào kỳ thi là hợp lý và thực tế cho thấy, phần lớn trường ĐH sẵn sàng tham gia kỳ thi này.

Trách nhiệm của người đứng đầu

Về phía địa phương, vai trò trách nhiệm cũng không vì thế mà “nhẹ đi” hay buông lỏng. Chẳng hạn, theo Dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia 2019, ở khâu in sao đề thi, sẽ có đại điện của một lãnh đạo sở GDĐT phụ trách điểm in sao đề. Khu vực này được cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, năm nay sẽ nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự phụ trách.

Như vậy, có thể thấy, dù có bao nhiêu cải tiến kỹ thuật thì vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, sẽ có kì thi an toàn.

Góp ý Dự thảo, ông Trần Mạnh Tùng- giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng trong khâu chấm thi, lo lắng nhiều nhất là chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn do tính chất phức tạp khi tổ chức chấm thi môn này (yêu cầu số lượng giáo viên lớn, chấm trong nhiều ngày). Theo Dự  thảo, Bộ vẫn giao cho các địa phương chấm theo quy trình hai vòng độc lập, nếu điểm vênh nhau thì ngồi đối chiếu, chấm lại 5% bài thi tự luận. Bộ nói thêm, bài nào điểm cao sẽ rút ra để chấm lại, tuy nhiên việc này chưa mang tính toàn diện bởi trường hợp có nhiều bài điểm cao ngang nhau thì không biết chấm kiểu gì.

Vì vậy, ông Tùng đề xuất Bộ đưa thêm cán bộ trường ĐH (không nhất thiết phải có chuyên môn về môn Văn) đóng vai trò thanh tra, giám sát thi hành các thủ tục chấm đảm bảo theo quy chế. Đây cũng là cách đề cao vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà lại tăng cường thêm tính nghiêm túc, trong khi không mất thêm quá nhiều nhân sự vì mỗi tỉnh chỉ có 1 - 2 điểm chấm bài thi tự luận. Cần tăng cường kênh giám sát vì theo dự kiến, năm nay Bộ vẫn chưa lắp camera ở các phòng thi. 

Mặc dù năm nay đại diện Bộ GDĐT có nhấn mạnh sẽ chú ý vào khâu lựa chọn nhân sự phù hợp nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo sẽ chống được gian lận. Bài học năm ngoái đã cho thấy tiêu cực xảy ra đều từ khâu con người. Vì vậy, giải pháp trước mắt, theo thầy Tùng, là cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu (bí thư, chủ tịch tỉnh; giám đốc sở GDĐT; hiệu trưởng trường ĐH) để có sự tuyển chọn nhân sự tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho phù hợp và đảm bảo.    

Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT, tuyệt đại đa số cơ sở giáo dục ĐH vẫn đang sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc hơn, kết quả tin cậy hơn, cũng có nghĩa là đầu vào của các trường tin cậy hơn. Do đó, việc các trường ĐH tham gia vào kỳ thi là hợp lý và thực tế cho thấy, phần lớn trường ĐH sẵn sàng tham gia kỳ thi này.

    Hàn Minh

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ