A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năm học 2019-2020: Chưa tăng giá sách giáo khoa

07:59 | 08/03/2019

Thông tin từ Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, năm học 2019 - 2020 sẽ giữ nguyên giá sách giáo khoa (SGK) như năm học trước.

Năm học 2019-2020 chưa tăng giá SGK.

Tăng giá bán sách khi đủ điều kiện

Theo thông báo của NXB Giáo dục Việt Nam đến các đơn vị thành viên, giá bìa SGK phục vụ năm học 2019-2020 dự kiến tăng. Dựa vào bảng báo giá cho thấy, tất cả, gồm 158 cuốn SGK các môn từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến tăng giá. Trong đó, 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành, còn lại tăng từ 10-40%. 

Lý giải điều này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho hay: Từ năm 2011 đến nay, giá SGK được kìm giữ ổn định và ở mức thấp (so với chi phí, giá thành xuất bản và so với giá bán các sách khác). Trong khi đó, các khoản chi phí xuất bản SGK đều biến động tăng cao. Để bù đắp việc giá bán SGK dưới giá thành, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiết giảm hàng loạt chi phí (chi phí vận chuyển, kho bãi...). Song, do các yếu tố giá cả đầu vào tăng nên chưa đủ bù đắp. 

Đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ dư luận. Đến cuối ngày 6/3, Bộ GDĐT đã có công văn số 793/BGDĐT-KHTC đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá bán SGK cũ trong năm học 2019-2020 để đảm bảo ổn định, tránh tác động đến việc tập trung các nguồn lực để thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, lộ trình triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu từ năm học 2020-2021.

Công văn đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam tiến hành rà soát chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và kế hoạch truyền thông theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và văn bản cùa Bộ Tài chính, báo cáo về Bộ GDĐT để xem xét có ý kiến chính thức.

Đồng thời Bộ GDĐT yêu cầu, khẩn trương rà soát cơ cấu chí phí và giá thành, soát tinh giảm biên chế, đặc biệt các bộ phận hành chính; hoàn thiện các quy trình, quy chế, định mức; rà soát xây dựng lại phương án chi trả lương; thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhiều đối tác cung cấp vật tư, giấy in; cắt giảm tối đa các chi phí trung gian và chi phí phát hành... hoàn thiện lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trình Bộ GDĐT phê duyệt.

Bộ GDĐT cũng yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch truyền thông rộng rãi đến nhân dân, các đối tượng chịu tác động hiểu và đồng thuận theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính; đến khi điều kiện thuận lợi mới thực hiện kê khai điều chỉnh giá bán sách theo quy định.

Cam kết không khan hiếm SGK

Năm học 2019-2020 là năm cuối cùng thực hiện bộ SGK hiện hành, sau đó sẽ bắt đầu triển khai SGK theo chương trình GDPT mới. Nhiều ý kiến lo ngại liệu có lặp lại tình trạng khan hiếm SGK như đầu năm học 2018-2019 vừa qua? 

Trả lời báo chí, phía NXB Giáo dục Việt Nam cam kết không để xảy ra tình trạng các đại lý, cửa hàng sách ở một số địa phương do muốn tránh tồn kho ở cuối vụ, không nhập thêm SGK để bán ở thời điểm trước ngày khai giảng. Đồng thời, đơn vị này đã thực hiện in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn SGK để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của mỗi cuốn SGK để tăng tỷ lệ sử dụng SGK cũ.

Bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của NXB Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học trong cả nước và trên webiste của NXB tại địa chỉ www.nxbgd.vn.

Sau câu chuyện rục rịch tăng giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam bị “tuýt còi”, ông Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, đây là một bài học với các NXB và các đơn vị, tổ chức sau này khi tính toán giá thành của SGK dùng cho học sinh. Bởi SGK có đối tượng tiêu dùng lớn, có thể là hàng triệu học sinh, cha mẹ các em. Giả sử SGK mỗi cuốn in 1 triệu bản, chỉ cần tăng lên 1 đồng cũng đã ảnh hưởng rất lớn. 

“Khi thực hiện một chương trình nhiều SGK, việc độc quyền in ấn, phát hành SGK sẽ không xảy ra. Các đơn vị sẽ phải “trông nhau” để làm giá nên vì thế sẽ tránh được tình trạng tăng giá vô tội vạ...”- ông Nhĩ nêu ý kiến. 

Trước đó, tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ SGK chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao. Tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành. 

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ