A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trả lương giáo viên theo việc làm: Bước đột phá cần thiết

09:05 | 08/03/2019

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức.

 Trong đó, Bộ Nội vụ đã đưa ra đề xuất về trả lương cho giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung.

Để trả lương giáo viên theo vị trí việc làm, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị là rất lớn.

Trước ý kiến lo ngại về tính công khai, minh bạch, và hiện tượng “con ông cháu cha”, các chuyên gia cho rằng để trả lương theo vị trí việc làm, trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị là rất lớn. 

Trả lương theo việc làm thay vì bằng cấp

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Là một nhà giáo có nhiều năm làm công tác quản lý, TS Đặng Lộc Thọ (nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương) cho rằng, đây là đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay giáo dục đòi hỏi sự đổi mới căn bản và toàn diện.

TS Thọ nêu dẫn chứng, khi thanh toán thừa giờ lên lớp, những giáo viên có nhiều năm giảng dạy được tính 250.000 - 300.000 đồng/1 giờ dạy trong khi giáo viên trẻ chỉ 70.000 - 75.000 đồng/giờ. Đó là một bất cập có thể khiến người trẻ nản lòng. Trong khi đó, những giáo viên có thâm niên công tác cao cho rằng “sống lâu lên lão làng”, cứ đến hẹn 3 năm lại lên lương mà không cần phấn đấu thì rất khó để đổi mới…

Đây cũng là thực tế ở nhiều ngành nghề, không chỉ riêng giáo viên khi tất cả đều được hưởng mức lương cào bằng, chưa phản ánh đúng năng lực khiến nhiều người không có động lực phấn đấu. Làm cùng một công việc, hiệu quả như nhau nhưng người công tác lâu năm được trả lương cao gấp 3, 4 lần so với người công tác được vài năm. 

“Điều này rất vô lý khi cùng vị trí việc làm, đối tượng dạy giống nhau nhưng hai người đi dạy lại có mức lương chênh nhau quá xa, trong khi hiệu quả công việc tương đương nhau. Bởi vậy, khi Bộ Nội vụ đưa ra phương án trả lương cho công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng theo vị trí việc làm được nhiều người đồng tình”- TS Đặng Lộc Thọ nêu ý kiến.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với đề xuất của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc là một bước đột phá. Người lao động mới có thể sống bằng lương, loại bỏ tư tưởng “sống lâu lên lão làng”. Vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương mức đó theo công việc và hiệu quả, trách nhiệm của công việc là đúng, không nhất thiết phải đi theo thứ bậc hay điểm xuất phát. 

Một ý kiến khác cho rằng vấn đề trả lương theo vị trí việc làm không phải lần đầu tiên được đặt ra. Nhưng làm sao để xác định đúng thì không dễ. Trong đó, quan trọng là phải xác định được chức danh, chức vụ lãnh đạo theo vị trí việc làm. Và phải xây dựng tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mới có thể thực hiện tuyển dụng, sử dụng và trả lương đúng cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xây dựng được những tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả làm việc.

Đánh giá sao cho đúng

TS Đặng Lộc Thọ cho rằng, nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì quy định này rất dễ bị áp dụng sai lệch, tức là chuyển từ trả lương theo ngạch bậc “sống lâu lên lão làng” sang thái cực “cào bằng”. Bởi giáo dục là ngành đặc thù, cùng vị trí việc làm, cùng thực hiện việc dạy học sinh, sinh viên ở các khối lớp khác nhau thì rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác. Trong khi đó, giáo dục không cho kết quả ngay mà cần thời gian để thẩm định. Tất nhiên, có những kỳ thi để đo lường việc đạt, chưa đạt của học sinh, từ đó nhận xét giáo viên nhưng đó cũng chỉ là một căn cứ đánh giá đối việc dạy học của giáo viên. 

“Bệnh thành tích” trong giáo dục lâu nay vẫn được nhắc đến, thậm chí ngành giáo dục Hà Nội còn nghiêm cấm việc “dàn dựng” thi giáo viên dạy giỏi nhưng khi đó là thành tích của trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đơn cử như được nâng lương cho giáo viên nếu đạt thành tích tốt… thì sẽ có bao nhiêu giáo viên có thể từ chối? Dẫu vậy, việc trả lương theo kết quả công việc, sự phấn đấu đạt thành tích tốt…là việc cần làm để tạo sự công bằng. Quan trọng là cách đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên theo giai đoạn, theo sự tín nhiệm của đồng nghiệp, học trò, xã hội. Bên cạnh đó cần thực hiện đánh giá đột xuất bằng thanh, kiểm tra, để biết mức độ hoàn thành công việc…

Đặc biệt, nhà trường cần tăng cường dân chủ để hạn chế tối đa mặt trái của quy định trả lương theo vị trí việc làm. Bởi khi giao quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan thì phải nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu người đứng đầu có sai phạm thì cần phải xử lý thật nghiêm minh. 

Hiện nay, ở Hà Nội và một số thành phố lớn khác, một số trường ngoài công lập đang thực hiện trả lương theo vị trí việc làm để giáo viên tập trung hơn vào hoạt động giảng dạy. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), những giáo viên dạy môn quan trọng được trường trả lương cao. Giáo viên được học sinh tín nhiệm nhiều cũng được xếp lương cao hơn người không được đánh giá tốt. Nhà trường cũng căn cứ vào việc thầy cô dạy học sinh có chất lượng để nâng bậc lương, có thể là 3 năm, 2 hoặc 1 năm. Tất nhiên, việc trả lương cao còn căn cứ vào các đánh giá khác một cách chính xác, khoa học, khách quan. 

Ngoài ra, để tạo sự công bằng với những giáo viên công tác lâu năm, TS Thọ đề xuất: Cùng một vị trí việc làm có bậc lương như nhau nhưng ai làm nghề lâu năm sẽ được thêm phần trăm thâm niên để ghi nhận sự cống hiến. 

Lâm An

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ