A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vẫn nóng sách giáo khoa

08:11 | 13/03/2019

Ngày 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất vẫn là sách giáo khoa có một bộ sách hay nhiều bộ sách.

 Vì còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo luật sẽ được tiếp tục đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra vào ngày 4/4 tới.

Bao nhiêu bộ sách?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT, bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị chương trình GDPT là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; quy định cụ thể việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.

Ông Bình cho biết về quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa GDPT tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa GDPT; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của luật và phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Bình, Dự thảo luật đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa; bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình GDPT trước khi ban hành và Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, sách giáo khoa. Vì vậy Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như quy định trong Dự thảo luật về chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, sách giáo khoa là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm, do đó thể chế hóa Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội là vấn đề đang đặt ra hiện nay. Thế nhưng Luật lại chưa nói đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và bình đẳng với các chủ thể ban hành sách, khi có chương trình sau đó mới lựa chọn bộ sách nào cho phù hợp. Cho nên bây giờ cần có 1 bộ sách giáo khoa chung của quốc gia, còn lại là có những bộ sách tham khảo trong từng môn học đó và sách đó có sự tham gia của các chuyên gia và nhà giáo.

Ai quản lý các buổi dạy thêm ngoài nhà trường?

Nhắc lại một số vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, tình trạng học sinh bị giáo viên xâm hại, tuy chỉ là cá biệt nhưng xã hội rất quan tâm. Trước thực trạng trên, bà Nga cho rằng tại Chương 6 của Luật có quy định về nhà trường, gia đình và xã hội, do đó nên cân nhắc có thêm điều quy định cho phù hợp với Luật Trẻ em. Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và xã hội để bảo vệ trẻ em.

Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận trong dư luận vừa qua, hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo tuy không nhiều nhưng tác hại lại ảnh hưởng rất sâu rộng trong xã hội, tác động lớn đến đối tượng vị thành niên. Tuy nhiên theo bà Hải, quy định về quyền và trách nhiệm của nhà giáo chỉ quy định trong giờ học chính khóa. Thế nhưng trên thực tế, như vụ việc ở Bắc Giang vừa qua, những hành vi không đúng mực lại xảy ra vào giờ học thêm, diễn ra vào buổi chiều sau khi người thầy uống rượu.

“Một số vụ việc gây bức xúc dư luận không phải diễn ra trong lúc đang dạy học chính mà là đang dạy thêm. Tuy nhiên dự thảo luật Giáo dục lại không quy định trong thời gian học thêm của nhà giáo. Tình trạng nói thô tục, rồi đưa clip rất phản cảm, nhưng lại nói trong giờ dạy thêm, nên phải quản lý giáo viên cả trong giờ dạy chính lẫn giờ dạy thêm. Như thế quy định như dự thảo là còn sơ hở phần dạy thêm. Nếu xảy ra sai phạm, xử lý theo quy định pháp luật rồi, còn trong luật việc quản lý nhà nước ở đây như thế nào? Do đó cần nghiên cứu xem có thể thành một điều luật vào trong luật để quản lý việc dạy thêm ở ngoài nhà trường.    

H.Vũ

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ