A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ôn thi Lịch sử vào lớp 10: Học theo sơ đồ tư duy

08:16 | 13/03/2019

Ngay sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 là môn Lịch sử, học sinh (HS) và phụ huynh ít nhiều cảm thấy lo lắng. Với đặc thù Lịch sử là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần các em đều lo lắng về cách học, phương pháp học.

Trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là tới kỳ thi, làm sao để quỹ thời gian chia đều cho 4 môn cũng là một bài toán không đơn giản.

 Học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2018- 2019.

Bám sát chương trình SGK lớp 9

Theo quy chế thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, bài thi Lịch sử làm theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút, 40 câu hỏi. Với hình thức thi trắc nghiệm, phạm vi kiến thức của đề thi phân bổ toàn bộ chương trình lớp 9, bao gồm cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. 

Theo TS Lê Thị Thu Hương- giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục Hocmai: Trong cấu trúc đề thi minh họa được công bố vào tháng 10/2018, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình lớp 9, mức độ câu hỏi chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao. Do đề trắc nghiệm với số lượng 40 câu nên câu hỏi trong đề thi có mặt ở mọi chuyên đề, bài học mà HS được học ở lớp 9, từ lịch sử thế giới (1945-2000) và lịch sử Việt Nam (1919-2000). Trong đó, tỉ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%. Với cấu trúc và hình thức đề thi như vậy, yêu cầu đầu tiên đối với HS là cần bám sát chương trình lớp 9 để ôn tập. Sách giáo khoa (SGK) lớp 9 là kim chỉ nam để HS ôn luyện trong thời gian gần 3 tháng còn lại, HS cần đọc kỹ SGK, trả lời câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. 

Th.S. Nguyễn Thị Quỳnh Mai- Trưởng Phòng Đào tạo Hệ thống giáo dục Hocmai cũng lưu ý HS: Đề thi tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố, không có câu hỏi tích hợp hay vận dụng kiến thức thực tế. Các câu hỏi trải đều tất cả các nội dụng trong SGK, vì vậy HS không được học tủ bất kỳ nội dung nào. Ngoài việc nắm kiến thức cơ bản, HS cần rèn luyện kỹ năng so sánh và tổng kết để có thể làm được những câu hỏi dạng liên chuyên đề. 

Cùng theo Th.S Nguyễn Thị Quỳnh Mai, từ đề thi minh họa, có thể thấy đề thi chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật, bên cạnh đó cũng yêu cầu HS phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kỳ lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề. Vấn đề HS đang lo lắng là làm sao để nhớ được khối lượng kiến thức khổng lồ trên. Theo đó, một trong những kinh nghiệm học thi môn Lịch sử là học qua sơ đồ tư duy, thẻ nhớ kiến thức. Mỗi bài học, chương, giai đoạn lịch sử có thể hệ thống lại thành sơ đồ để dễ nhớ, dễ tra cứu khi cần. Đồng thời mỗi bài học, sự kiện, nhân vật có thể dùng giấy nhớ để ghi lại các điểm chính cần ghi nhớ.

Nắm vững  kiến thức đã học

Ngay sau khi Sở GDĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 là môn Lịch sử, phụ huynh đã chạy đôn đáo khắp nơi để tìm mua sách luyện đề thi môn này. Nhiều phụ huynh còn tìm kiếm các giáo viên chuyên về môn Lịch sử ở các trường chuyên để giúp ôn luyện cho con em mình. 

Một phần áp lực khác đang đè nặng lên vai các gia đình có con thi vào lớp 10 THPT năm học 2019- 2020 tại Hà Nội, đó là họ sẽ phải đối mặt với cuộc đua vào lớp 10 trường công. Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 sẽ chỉ có khoảng 60-62% số HS được tuyển vào các trường THPT công lập (trên tổng số khoảng  101.460 HS tốt nghiệp THCS). Dù Sở GDĐT cho hay, tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS năm 2019- 2020 giảm khoảng 4.000 em so với năm trước, thì cánh cửa vào trường công vẫn không rộng mở, bởi nhiều năm qua hệ thống trường công tại Thủ đô đang trong tình trạng quá tải.  

Trước lo lắng, băn khoăn của các gia đình, thầy Nguyễn Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: Năm nay tâm lý của cả HS và phụ huynh rất lo lắng vì mọi năm chỉ có 2 môn thì năm nay thi 4 môn. Không đợi đến khi Sở GDĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư nhà trường mới cho HS ôn luyện. Trước đó, nhà trường cũng cho các em học và ôn các môn còn lại theo định hướng của Sở. Ngoài ra giáo viên các bộ môn cũng đã gửi đến HS nội dung ôn tập tất cả các môn cách đây 3 - 4 tuần. Vì vậy, khi Sở thông báo môn thi Lịch sử thì HS và giáo viên đều không lạ lẫm lắm. Cách ôn mà giáo viên hướng dẫn là HS tự học và luyện trong quá trình học tập, nhưng gợi ý có trọng tâm hơn. Hình thức thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử là trắc nghiệm và trắc nghiệm khách quan, giáo viên của trường cũng đã hướng dẫn các em cách làm câu trả lời cho quen dần. Do đó, phụ huynh và HS cần phải bình tĩnh, tự tin, học tập ôn luyện thường xuyên thì dù thi cử theo cách nào cũng sẽ làm bài tốt. 

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, HS cần chủ động lên kế hoạch học tập và ôn luyện trong thời gian còn lại cho môn Lịch sử nói riêng, và cả 4 môn thi tuyển vào lớp 10 sao cho hợp lý nhất. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể trao đổi, tạo nhóm bạn cùng học, hoặc hỏi trực tiếp giáo viên đang giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung.  

 Minh Quang

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ