A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vẫn băn khoăn sách giáo khoa

09:12 | 16/03/2019

Chỉ còn hơn 1 năm nữa Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai ở lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thống nhất được sẽ thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa (SGK) hay một chương trình nhiều SGK.

Còn nhiều băn khoăn về việc biên soạn SGK cho chương trình GDPT mới. Ảnh: Lê Vinh.

Một bộ SGK hay nhiều bộ SGK?

Luật Giáo dục 2005 nêu cụ thể SGK là tài liệu dạy và học trong nhà trường phổ thông nhằm “cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông”.

Thực tế lâu nay ở nước ta cho thấy SGK có một vai trò rất lớn trong dạy và học, chi phối và liên quan đến rất nhiều người, nhiều tổ chức... Hầu như, mọi hoạt động dạy học trong nhà trường đều phụ thuộc vào SGK. Không nhiều thầy cô giáo thoát ly việc dạy khỏi SGK bởi đề thi, đề kiểm tra cũng đều bám sát nội dung trong SGK... 

Trong lần đổi mới này, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK GDPT quy định một chương trình nhiều bộ SGK là chủ trương mở nhằm giúp cải thiện chất lượng SGK, chống độc quyền. SGK được kỳ vọng sẽ không còn vị trí tuyệt đối quan trọng như trước mà thầy giáo sẽ linh hoạt, sáng tạo hơn trong việc truyền thụ tri thức cho học sinh, miễn là bám sát chương trình chuẩn Bộ GDĐT đã công bố.

Đặc biệt, từ vụ việc thiếu SGK ở nhiều tỉnh thành hồi đầu năm học 2018-2019 cho thấy cần có thêm nhiều đơn vị, tổ chức tham gia làm SGK. Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

Qua đó cho thấy việc chỉ có duy nhất đơn vị được tổ chức xuất bản, phát hành SGK trong suốt 60 năm (1957-2017) dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, hạn chế cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán. Cơ quan này chỉ ra nhiều bất cập khác trong phát hành sách, như chiết khấu cao, giá một số loại sách VNEN, Công nghệ Giáo dục cao gấp 3-4 lần sách thông thường.

Bên cạnh đó, nhìn ra thế giới thì một chương trình nhiều SGK cũng là xu thế quốc tế, nhiều nước đã thực hiện từ lâu. Nhưng để thực hiện được cần phải có điều kiện. 

Ở Việt Nam, điều kiện hiện nay đã chín muồi để thực hiện một chương trình nhiều SGK? Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng “thực hiện xã hội hóa SGK, có một số SGK cho mỗi môn học” nhưng Nghị quyết 29 của Trung ương thì không nói cụ thể như vậy: “Không thể phê phán ban soạn thảo và Chính phủ thoát ly nghị quyết, định hướng nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn SGK để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?”.

Đổi mới giáo dục là việc phải làm, không thể chậm trễ nhưng làm sao để phù hợp với thực tế của nước ta vẫn luôn là trăn trở của không chỉ các cấp quản lý mà cả xã hội đều mong chờ. Việc thực hiện một bộ SGK hay nhiều SGK trong năm học 2019-2020 sắp tới đến nay vẫn chưa “ngã ngũ”. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương án nào cũng cần có sự giải trình rõ ràng, minh bạch để tạo đồng thuận trong xã hội.

Chương trình hay SGK quan trọng? 

Có thể thấy dù thực hiện phương án nào về SGK trong điều kiện hiện nay đều có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Nhưng quan trọng hơn, nếu hiểu SGK chỉ là một trong những yêu cầu của đổi mới, không phải là tất cả thì sẽ thấy ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm.

Theo PGS Đỗ Ngọc Thống- Chủ biên chương trình Ngữ văn mới, đổi mới then chốt nhất, quyết định nhất của lần này là chuyển từ định hướng chạy theo, nhồi nhét nội dung sang giáo dục phẩm chất và năng lực, nhất là theo yêu cầu phát triển năng lực. Nhiều bộ hay một bộ SGK mà không đổi mới cách biên soạn, cách dạy và học, cách kiểm tra- đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực thì cũng đều thất bại, vô ích; tốn tiền của và công sức…

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, lần đổi mới này khác với trước là phát triển phẩm chất năng lực. Nội dung quan trọng là soạn Chương trình giáo dục phổ thông và Chương trình các môn học. Còn SGK là cụ thể hóa chương trình có tính pháp lệnh thống nhất trong toàn quốc. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết bám chặt SGK, ngoài ra còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp vì mục đích chính của đổi mới lần này là đổi mới dạy và học. 

Chương trình tổng thể, chương trình chi tiết môn học đã có, chỉ là chưa có hình hài của những cuốn SGK sẽ ra sao? Nhưng trên thực tế, với phần đông giáo viên và phụ huynh, học sinh, việc cầm trên tay những cuốn SGK cụ thể sẽ giúp họ nhìn thấy rõ ràng hơn lần đổi mới này.  

Liệu sắp tới, việc dạy học trong nhà trường có thể xem nhẹ SGK được không? Thậm chí là “thoát ly” việc dạy khỏi SGK mà chỉ xem như đó là một tài liệu tham khảo như nhiều nước khác? Nhìn vào trình độ, khả năng của một bộ phận giáo viên hiện nay, điều này khó có thể khả thi. Đó là chưa kể tâm lý thi gì học nấy, học để thi... vẫn còn nặng nề đối với nhiều nơi, nhiều người thì việc đề cao chương trình hơn SGK theo ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là điều không dễ thực hiện nếu không được tập huấn, bồi dưỡng liên tục, sát sao... 

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ