A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp

07:01 | 17/03/2019

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường; thậm chí hằng năm có hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học vì không đáp ứng được yêu cầu học tập.

Điều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ phần lớn là do các em lựa chọn ngành nghề chưa phù hợp và không đáp ứng nhu cầu của xã hội; từ đó nhiều sinh viên đã mất đi động lực phấn đấu học tập ngay khi ngồi trên ghế giảng đường, dễ nảy sinh tâm lý chán nản, muốn nghỉ học. Sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên thiếu và yếu những kỹ năng cần thiết và không dám dấn thân cho nghề nghiệp đã chọn.

Do đó, việc chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các em học sinh trước ngưỡng cửa vào đời; cần sự hỗ trợ của cả nhà trường, gia đình.

Đầu tiên, cần giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân bởi đó là những yếu tố quan trọng giúp người học lựa chọn được ngành học phù hợp để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Muốn thế, ngay từ cấp THPT, nhất là lớp 12, học sinh cần xác định được thế mạnh của bản thân đối với các môn học, từ đó lựa chọn khối thi, tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp nhất. Một thực tế là hiện nay nhiều học sinh thường bị nhầm lẫn giữa đam mê với sở thích nhất thời, dễ dao động, không có chính kiến và kiên trì theo đuổi đam mê đã lựa chọn từ ban đầu. Không những thế, do lúng túng, chưa xác định được hướng đi và ngành nghề nên các em dễ có xu hướng chọn ngành nghề theo bạn bè, theo trào lưu hoặc theo xu hướng ngành “hot” hiện nay. Nhiều khi việc lựa chọn lại mang tính ép buộc hoặc bị áp đặt từ phía gia đình, người thân.

Các em học sinh đang tìm hiểu cơ hội học tập và làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: N.Hoa

Một điều quan trọng nữa là cần giúp các em tìm hiểu xu hướng ngành nghề, nhu cầu của xã hội. Nhu cầu về nhân lực cũng như xu hướng ngành nghề không ổn định mà luôn thay đổi theo từng năm, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Thực tế là, sau khi ra trường, không phải sinh viên nào cũng dễ dàng tìm kiếm được việc làm. Để mưu sinh, không ít sinh viên phải đi làm thêm, làm trái nghề, làm nghề “tay trái”, hoặc lập gia đình sớm,… Do đó, mỗi học sinh ngay từ bây giờ cần phải tìm hiểu nhu cầu của xã hội, ngoài việc tìm hiểu “đầu vào”, quá trình đào tạo thì cũng phải tìm hiểu thêm “đầu ra”… trước khi lựa chọn học ngành hay nghề nào đó. Muốn tìm hiểu về nhu cầu nhân lực, xu thế ngành nghề hiện nay, người học có thể tham khảo qua các thông tin về dự báo nguồn nhân lực, thông tin về mức lương, nhu cầu tuyển dụng hằng năm và dự báo trong tương lai từ các chuyên gia, từ các website dự báo nhân lực, từ các website tuyển dụng hàng đầu… để có định hướng chọn ngành nghề phù hợp. Các em học sinh cũng có thể tham khảo thông tin hoạt động, thông tin tuyển sinh, xét tuyển của các trường đại học mà các em thấy phù hợp với năng lực học tập của mình trên website chính thống, các diễn đàn của sinh viên, trên facebook.

Bên cạnh việc lựa chọn nghề nghiệp dựa vào đam mê, năng lực bản thân,… thì những định hướng của gia đình, thầy cô là hết sức hữu ích cho học sinh. Khi định hướng nghề nghiệp cho con, gia đình cũng cần tôn trọng ý kiến của các em, không nên ép buộc con cái theo sở nguyện của mình. Bên cạnh đó, thầy cô, bạn bè cũng là một trong những kênh thông tin tham khảo hữu ích cho các em học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề. Những định hướng, kinh nghiệm của thầy cô hay các anh chị của khóa trước sẽ là cẩm nang thiết thực cho các em có thêm thông tin để lựa chọn. Các em cần thiết phải tham gia các buổi tư vấn mùa thi, tư vấn tuyển sinh… do nhà trường, ngành giáo dục tổ chức để tham khảo khi lựa chọn ngành nghề của bản thân.

Hà Văn

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ