A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ tại trường ĐH công lập: Kiến nghị nới cơ chế

14:14 | 22/03/2019

Ngày 19/3, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo về cơ chế tự chủ đối với các trường ĐH công lập.

 Đây là xu hướng mang tính toàn cầu, là xu thế tất yếu của các quốc gia trong quản trị ĐH. Những đánh giá tại hội thảo cho thấy, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện tự chủ ĐH. 

Vẫn còn nhiều vướng mắc trong tự chủ ĐH.

Thiếu minh bạch trong tự chủ tài chính 

Số liệu thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong 3 năm 2015-2018, chi từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục ĐH giảm từ 8% xuống còn 4% do các trường đã tăng được đáng kể nguồn thu. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp nhiều trường ĐH công lập chủ động tiếp cận các nguồn vốn ngoài ngân sách, giảm gánh nặng cho NSNN đầu tư vào lĩnh vực giáo dục … 

Đánh giá việc triển khai cơ chế tự chủ, TS. Nguyễn Tố Tâm- Trường ĐH Điện lực cho rằng, Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập đã tạo điều kiện cho các cơ sở  GDĐH mạnh dạn xin thực hiện tự chủ hoàn toàn. Tính đến nay, có 23 trường ĐH được tự chủ, tạo động lực cho toàn hệ thống GDĐH phát triển.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP cũng cho thấy những trường được thí điểm tự chủ còn vướng nhiều rào cản, trong đó chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập. Cơ chế quản lý theo chế độ bộ chủ quản không còn phù hợp. Thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường ĐH trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường. 

Theo TS Lê Đình Thăng - kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3: Qua kiểm toán cho thấy các trường ĐH công lập mới chỉ thực hiện tự chủ về tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng một số trường ĐH công lập thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định. Mặt khác, một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo là mục đích chính của tự chủ ĐH.

Có thể minh chứng bằng những con số như số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ QPAN… ngoài quy định hơn 14.567 tỉ đồng (tại 5/7 cơ sở giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội 702 triệu đồng; tại 5/9 cơ sở giáo dục ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP HCM 4,479 tỉ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ GDĐT 9,386 tỉ đồng).

Những phân tích của đại diện Kiểm toán Nhà nước tại hội thảo cũng cho thấy, thực hiện Luật phí và lệ phí năm 2015 các khoản thu học phí đã chuyển sang cơ chế giá. Tuy vậy đến nay, học phí bậc GD ĐH chưa có khung mức giá tính đủ chi phí nên gây khó cho các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. 

Không sửa cơ chế, các trường khó tự chủ

Trước những đánh giá của đại diện Kiểm toán Nhà nước, PGS. Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, do chưa có cơ chế chính sách riêng về đầu tư, mua sắm cho các cơ sở giáo dục tự chủ, các trường tự chủ hiện tại vẫn phải tuân thủ theo quy định đầu tư, mua sắm hiện hành. Tính thiếu đồng bộ, thống nhất trong cơ chế đã dẫn đến sự lúng túng của các trường đại học thí điểm tự chủ. Nếu làm đúng các luật thì việc tự chủ không thực hiện được, còn nếu vượt luật thì rất khó, đặc biệt khi bị kiểm toán. 

“Thú thực đã có lúc chúng tôi nghĩ đến phương án xin rút, vì rất nhiều cái vướng. Nếu muốn thực hiện tự chủ thành công, chúng ta phải cởi mở hơn trong việc làm luật, phải có góc nhìn phù hợp để các trường thực hiện dễ dàng hơn”-  bà Nguyệt kiến nghị.

Là một trong 5 trường ĐH công lập đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ tài chính (tự chủ tài chính một phần từ năm 2005 và toàn phần từ năm 2008), PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, sau nhiều năm thực hiện tự chủ về tài chính, 1,5 năm thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, từ thực tế của Hội đồng nhà trường, có thể cho thấy tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm, trách nhiệm giải trình là hướng đi đúng đắn; tự chủ làm nâng cao ý thức về “cạnh tranh”.  Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, thu của trường vẫn dựa chủ yếu vào học phí, khó có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ để nâng cao đẳng cấp của trường. Bên cạnh đó các văn bản của nhà nước còn thiếu, chưa mở đường cho đổi mới. 

Từ những hạn chế trên PGS Bùi Anh Tuấn cho rằng cần gắn tự chủ với trách nhiệm và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó nhà nước cần phải có những giải pháp khuyến khích đổi mới cơ chế hoạt động tại các trường đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục Việt Nam.

   Lê Bảo

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ