A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh đại học 2019: Chọn ngành mới hay ngành truyền thống?

14:52 | 22/03/2019

Mùa tuyển sinh 2019, trong khi nhiều trường đại học (ĐH) mở thêm các ngành mới để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì một số ngành truyền thống, gắn với nhu cầu thực tiễn và có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cao vẫn hút thí sinh.

Học sinh cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề trước khi đăng ký.

Nhiều ngành học “hot”

Thông tin 3 nhóm ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt top 400 - 500 theo bảng xếp hạng QS thế giới được nhiều thí sinh sắp bước vào kỳ thi ĐH năm nay quan tâm. Cụ thể, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử được xếp hạng top 401 - 450 thế giới; nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí, Hàng không và Chế tạo đứng trong nhóm 451 - 500 thế giới; nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin thuộc nhóm 501 - 550 thế giới.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây cũng chính là nhóm ngành “hot” nhất của trường, học phí cao nhất nhưng vẫn luôn thu hút thí sinh nhất vì chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm đã được khẳng định bền vững trong nhiều năm qua. Với việc được xếp ở vị trí số 1 so với các cơ sở giáo dục ĐH trong nước và được xếp hạng thế giới, đây sẽ là những ngành được dự đoán “hot” của năm nay đối với các thí sinh có nguyện vọng đăng ký khối ngành kỹ thuật và công nghệ. Điểm chuẩn tham khảo của các ngành này năm 2018 là từ 21 điểm trở lên. 

Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, một trong những ngành nghề “khát” nhân lực hiện nay là ngành logictics. Hiện nước ta hiện nay có 3 hình thức đào tạo logistics: tại các cơ sở đào tạo bậc ĐH/sau ĐH và nghề, hiệp hội và doanh nghiệp. Cả nước có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp ĐH, sau ĐH và cơ sở dạy nghề về logistics. Mùa tuyển sinh 2019 ghi nhận thêm một số trường mở mới ngành logistics như ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Thương mại... 

Vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Tuy nhiên, bất cập của việc đào tạo là chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó trình độ ICT và trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế, chỉ khoảng 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. 

Chia sẻ quan điểm ngành logistics sẽ là một trong những ngành khát nhân lực hiện nay và trong thời gian tới, đại biểu quốc hội Tôn Ngọc Hạnh- Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng dự đoán 5 nhóm ngành nghề được đánh giá “hot” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó đối với Việt Nam, nhóm ngành nghề có khả năng phát triển nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh, chế biến sâu của nông nghiệp công nghệ cao. Bởi Việt Nam phát triển đi lên từ nông nghiệp, có lợi thế rất lớn về ngành này. Nhóm ngành thứ hai là công nghệ thông tin tuy đã được các trường đào tạo từ lâu nhưng trong thời đại công nghệ và truyền thông bùng nổ hiện nay, sức hút từ nhóm ngành này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, cần lưu ý là có rất nhiều trường đào tạo ngành học này nên thí sinh cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở uy tín, trong đó ưu tiên thời gian thực hành nhiều, chương trình đào tạo có liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, du lịch cũng được dự đoán sẽ cần có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao. 

Riêng với thị trường lao động của TPHCM năm 2019 dự kiến sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0 như ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử, marketing điện tử, kiến trúc - xây dựng, du lịch, dịch vụ y tế và nông nghiệp công nghệ cao... 

Từ dự báo nhu cầu nhân lực này, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, thí sinh chọn các ngành học này nếu được trang bị vốn kiến thức nền tảng tốt thì sẽ không lo thất nghiệp trong vài năm tới. 

TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, dù nghề “hot” hay nghề truyền thống thì luôn có cơ hội việc làm cho những sinh viên giỏi và thành thạo ngoại ngữ. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành được đào tạo trong nhà trường, các kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình,... cũng cần được rèn luyện để khi tham gia vào thị trường lao động, doanh nghiệp tuyển dụng không cần phải đào tạo lại.     

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ