A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gian lận tốt nghiệp THPT quốc gia 2018:

08:15 | 27/03/2019

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ GDĐT diễn ra sáng 26/3, một lần nữa mối quan tâm về danh tính các thí sinh vi phạm trong kỳ thi THPT 2018 lại được đặt ra.

Tại cuộc họp này, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ: Việc công bố danh sách thí sinh được nâng điểm trong gian lận thi THPT quốc gia sẽ được cơ quan điều tra cân nhắc.

Quang cảnh buổi họp báo.

Căn cứ vào pháp luật  

Theo đó trong 9 tháng qua, kể từ khi phát hiện sai phạm, Bộ GDĐT, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất lớn trong việc điều tra, xử lý những gian lận, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ông Trinh khẳng định, về quan điểm chỉ đạo, Bộ GDĐT, Bộ Công an có quan điểm xuyên suốt là không dung túng cho sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý đến cùng trong khuôn khổ quy chế và pháp luật hiện hành. Việc xử lý kết quả cũng theo quan điểm chỉ đạo này. Theo quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi, được thay thế kết quả đã công bố trước đó, vì thế được sử dụng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.

Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GDĐT đã có công văn hướng dẫn các Sở GD ĐT Hòa Bình, Sơn La, các trường ĐH khối quân đội, công an để có sự liên thông về thông tin, xử lý vụ việc một cách hiệu quả, khách quan và không ảnh hưởng đến những thí sinh khác. 

Riêng vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc có hay không công bố danh tính thí sinh/ phụ huynh tham gia vào việc gian lận thi cử? Ông Mai Văn Trinh cho hay: Về việc công khai danh tính thí sinh và phụ huynh phải tuân thủ vào Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2016 và căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan điều tra, ở đây là Bộ Công an. Việc công bố thời điểm nào, công bố đến đâu thuộc thẩm quyển của Bộ Công an.

Người lớn phải chịu trách nhiệm 

Trước “sức ép” công bố danh tính người gian lận thi cử, ông Mai Văn Trinh đã chia sẻ rằng: Chúng ta phải tính nhiều yếu tố tác động của nó, trong đó không thể không tính đến những tác động cực đoan của các cháu. 

Rõ ràng, ở góc độ của phụ huynh, việc suy nghĩ cho con trẻ- thực sự cần được đặt ra vào lúc này. Với những thí sinh đã trúng rồi nay lại trượt, tương lai của các em vẫn còn dài ở phía trước. Các em còn rất nhiều cơ hội để sửa sai, để tìm được cánh cửa vào đời. Tất nhiên, với điều kiện những cô/cậu bé ấy phải tự đứng lên bằng chính đôi chân của họ. 

Lâu nay việc định hướng, hướng nghiệp cho con em vẫn chủ yếu phụ thuộc vào phụ huynh. Thực tế cũng đang chứng minh rằng công tác hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông chưa đạt được đích đến như mong đợi. Vì thế, để có tiền, thậm chí rất nhiều tiền “mua” điểm cho các cháu, chính người lớn đã làm những việc đó. Hay có những cách nói chua chát hơn, rằng phụ huynh đã dùng tiền để mua- bán tương lai của con em họ. 

Những tiêu cực thi cử không phải là câu chuyện mới, nhưng ở mùa tuyển sinh 2018, sự việc bán - mua ấy trở nên quá lộ liễu khi có không ít những học sinh học kém quá mà vẫn đậu thủ khoa, lại còn vào trường “top”. Thật khó mà tin được, tại Sơn La có thí sinh được nâng cả 3 môn với 26,55 điểm. Môn được nâng điểm cao nhất là 9 điểm. Như vậy đang điểm liệt bỗng thành điểm giỏi. Việc đổi trắng thay đen cũng quá là dễ dàng. Nếu những gian lận ở các địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… không bị phát hiện, những hồi chuông báo động khẩn cấp không kịp thời được gióng lên, thì không biết hậu quả của kỳ thi THPT quốc gia sẽ đi tới đâu…

Vậy thì xử lý những phụ huynh “mua điểm” thế nào? Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), việc công khai danh tính thí sinh gian lận điểm thi cần được xem xét ở góc độ nhân văn. Việc công khai danh sách thí sinh nâng điểm cần thiết hay không còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Hiện nay, khi sai phạm mới xác định là ở người lớn thì trước hết phải xử người lớn cho thật nghiêm. Với học sinh, vẫn nên xét đến tính nhân văn, giáo dục lâu dài. TS Lê Viết Khuyến cho rằng, khi chưa có chứng lý rõ ràng thì không thể kết tội các em được. Tuy nhiên, với các phụ huynh bắt tay với cán bộ giáo dục để nâng điểm khống thì phải xử lý nghiêm. Những người đứng đầu các tỉnh có xảy ra vụ tiêu cực nghiêm trọng này cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và có biện pháp xử lý, chịu trách nhiệm nghiêm minh, xứng đáng. Dẫn chứng ra trường hợp tại tỉnh Hà Giang, người đứng đầu tỉnh cũng có con nằm trong danh sách nâng điểm gian lận nhưng đến nay cũng không hề hấn hay phải chịu trách nhiệm gì. Ông Khuyến cho rằng điều này làm dư luận còn băn khoăn.

Còn theo quan điểm của GS Phạm Tất Dong- nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Những người làm sai đương nhiên phải công khai.Vì sao phải giấu, bởi họ mua điểm bằng tiền kia mà. Nếu không, những năm sau sẽ còn tiếp tục. Hơn thế, giả sử trong số những người mua điểm cho con em họ là công chức, đảng viên thì càng cần phải được công khai, nghiêm túc. Thời phong kiến việc như thế này bị xử lý rất nghiêm. Đây cũng có thể coi là một dạng tham nhũng quyền lực vì quyền lợi riêng. Nó còn khủng khiếp hơn nhiều so với trộm cắp hay tham nhũng vặt. Do đó nếu mà không công khai danh tính, thì là không ổn. Riêng với thí sinh, có thể không cần phải công bố công khai danh sách. Nhưng cũng phải xử lý thật nghiêm. 

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần làm tới cùng là truy trách nhiệm của những người nhờ vả nâng điểm. Họ là ai? Nếu dùng tiền để mua điểm cũng không thể chỉ bắt người nhận tiền chịu mà người đưa tiền cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Công bằng cho kỳ thi 

Liên hệ với phân tích của GS Phạm Tất Dong, trong lịch sử khoa cử, phàm những người phạm tội gian lận thi cử đều bị xử lý nghiêm, cho dù họ có là quan đầu triều. Đơn cử như vụ Lê Quý Đôn ép học trò là Đinh Thì Trung đổi quyển thi cho con là Lê Quý Kiệt để Kiệt đậu thủ khoa kỳ thi Hội năm 1775 lại bị phát giác do chúa Trịnh Sâm bắt duyệt lại văn bài, vì cho rằng Thì Trung nổi tiếng học giỏi, sao thành tích lại kém. Điều tra ra thấy chữ viết của người này lại ở trong quyển thi của người kia. Kết quả là Đinh Thì Trung bị kết phải tội lưu đi Yên Quảng (nay thuộc Quảng Ninh), Quý Kiệt bị giam cấm ở ngục Cửa Đông rồi bắt phải trở về làm dân… Hay dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát cũng suýt bị tử hình vì chữa hàng loạt bài thi. Như thế, xưa nay việc thi cử vốn đã được coi trọng để tìm người thực tài. 

Mặc dù trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GDĐT cho hay sẽ có nhiều giải pháp để hạn chế gian lận thi cử, đặc biệt là việc chú trọng tới giải pháp kỹ thuật. Song dù thế nào, góp phần vào sự thành công của kỳ thi, quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người. 

Những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của Bộ GDĐT được dư luận đánh giá là nỗ lực để ngăn chặn tiêu cực và hướng tới việc học thực chất hơn. Tuy nhiên, liệu đây đã là giải pháp căn cơ hay chỉ là xử lý tình thế thì vẫn còn cần thêm thời gian để tiếp tục xem xét. Đơn cử, cũng cần hết sức lưu ý về việc lựa chọn trường ĐH có đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và uy tín, tránh tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Vì thực tế những gian lận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vừa qua cho thấy có liên đới cả nhân sự của trường ĐH, chẳng hạn như thanh tra chấm thi. Do đó, kỳ thi năm 2019 cần lựa chọn những người có đạo đức nghề nghiệp, ý thức, nhận thức cao để làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của một cán bộ coi thi, hoặc tham gia vào bất kỳ khâu nào của kỳ thi.    

Minh Quang 

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ