A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình quyết định sách giáo khoa

10:54 | 28/03/2019

Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm ban hành chương trình giáo khoa thống nhất trong cả nước.

Chương trình này khá chi tiết quy định học kiến thức gì, ra sao, thậm chí trong văn học là học tác giả nào, bài văn nào phải quy định rõ ràng…

Đọc sách trong thư viện nhà trường.

SGK không phải là duy nhất 

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về chương trình quan trọng hay SGK quan trọng, ông Phan Thanh Bình cho rằng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đã đề cập đến nhiều thay đổi trong cách học và cách dạy. Trong đó, quan trọng là chuyển từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá và đào tạo năng lực cho học sinh. Từ đó, tác động đến phương thức và quan điểm trong giảng dạy phổ thông. Quan trọng nhất là chương trình GDPT là pháp lệnh, SGK trở thành công cụ và tài liệu giảng dạy.

SGK không phải là duy nhất, có thể trên một kiến thức nhưng có nhiều nguồn, thậm chí không sử dụng SGK mà sử dụng mạng internet để tìm kiếm được kiến thức đó cũng sẽ là vấn đề đặt ra trong tình hình mới hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là, chương trình giáo khoa thống nhất trong cả nước đã được Bộ GDĐT ban hành. Tuy nhiên, nếu có nhiều bộ SGK khác nhau, khi học sinh có nhu cầu chuyển trường có thể gặp khó khăn. Hoặc việc kiểm tra, đánh giá thi cử sau này sẽ ra sao giữa các trường học SGK khác nhau?

Về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho hay, khi thiết kế một chương trình, kể cả theo điều lệ chương trình hiện nay thì học sinh muốn chuyển trường phải vào thời điểm kết thúc học kỳ I hoặc cuối năm, không phải học sinh muốn chuyển bất kỳ lúc nào cũng được. Trong đó, nếu như chuyển vào cuối năm học thì không có vấn đề gì phải lo cả vì chương trình khung đã quy định số tiết dạy trong một năm. Dù trường đó có sắp xếp theo chương trình giáo dục của nhà trường, phần này trước, phần kia sau, thì hết một năm cũng phải hoàn thành chương trình. 

Đối với những học sinh đã học được nửa kỳ muốn chuyển, khi đến cơ sở mới các em cũng phải đảm bảo điều kiện đầu vào. Nếu như trường mới đã tổ chức dạy học phần mà các em chưa được học thì học sinh phải bổ sung phần đó để đáp ứng yêu cầu khi vào chương trình của trường mới.

Dù học SGK nào thì việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong toàn quốc là cực kỳ quan trọng. Bộ GDĐT phải chịu trách nhiệm ban hành chương trình giáo khoa thống nhất trong cả nước và chương trình này khá chi tiết quy định đến học kiến thức gì, ra sao, thậm chí trong văn học là học tác giả nào, bài văn nào quy định cứng luôn.

Bộ GDĐT huy động tác giả viết SGK toàn thời gian

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, việc thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” từng được đặt ra từ Quốc hội khóa XI nhưng vì chưa giải quyết được các khó khăn nên phải gác lại. Đến kỳ họp Quốc hội khóa XIII, việc này được tiếp tục bàn thảo và đi tới Nghị quyết số 88, chủ trương thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”. 

Tuy nhiên, ông Thuyết cũng cho rằng nếu trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK thay vì nhiều SGK như Nghị quyết 88 đã nêu, những tổ chức, nhóm tác giả đã và đang biên soạn SGK sẽ chịu tổn thất rất lớn.  Về sau, các tổ chức, cá nhân có ý định biên soạn sẽ ngần ngại… Bởi theo ông Thuyết, từ khi Bộ GDĐT công bố dự thảo Chương trình tổng thể (12-4-2017) và các chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (19-1-2018), nhiều tổ chức, nhóm tác giả đã bắt tay vào soạn SGK. Đến thời điểm này, nhiều bộ sách đang hoàn thiện. 

Đối với bộ SGK do Bộ GDĐT chủ trì, ông Thuyết cho rằng nếu vẫn chưa có phương án triển khai thì sẽ chậm. Nhất là nếu quay lại chủ trương chỉ có một bộ SGK đến khi có đủ điều kiện thực hiện nhiều bộ SGK.

Đây cũng là lo lắng của nhiều người quan tâm đến giáo dục khi hiện nay, chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến thời điểm triển khai chương trình GDPT mới, bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn không biết đã thực hiện đến đâu?

Trả lời báo chí, ông  Nguyễn Xuân Thành cho biết hiện Bộ đã xây dựng kế hoạch chi tiết về vấn đề này. Cụ thể, trong tháng 3 này, Bộ sẽ tuyển chọn đội ngũ biên soạn SGK gồm chủ biên và tác giả trực tiếp tham gia biên soạn SGK theo quy trình nêu tại Thông tư 33. Trong đó, bao gồm không chỉ những người nổi tiếng trong lĩnh vực, những người có kinh nghiệm, có khả năng tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, đồng thời cũng mời một số giáo viên giỏi trực tiếp đứng lớp ở phổ thông tham gia. 

Dự kiến, sau khi có đội ngũ tác giả, Bộ sẽ ban hành một quy trình về viết SGK cụ thể để xã hội biết quy trình đó sẽ làm chặt chẽ, bài bản ra sao. Sẽ có tham vấn chuyên gia quốc tế cùng với chuyên gia trong nước để họ giúp về quy trình biên soạn SGK.

Để kịp triển khai năm học 2020-2021, trước mắt Bộ sẽ ưu tiên biên soạn SGK tiểu học, đặc biệt là lớp 1, đảm bảo để có thể triển khai thực nghiệm một số bài học trong từng SGK. Sau đó sẽ tiến hành với cấp THCS, bắt đầu vào lớp 6. Sang năm 2020 sẽ tiến hành tương tự với THPT.

Theo kế hoạch, SGK lớp 1 viết từ tháng 3 thì đến khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ tiến hành thực nghiệm. Việc viết SGK sẽ tiến hành viết tập trung, tuyển tác giả làm việc toàn thời gian chứ không phải vừa viết SGK vừa làm công việc khác. Mục đích của việc viết SGK tập trung để có mô hình làm việc theo nhóm, các nhóm thường xuyên thảo luận, góp ý cho nhau trong quá trình viết SGK.

Ông Thành cũng khẳng định việc chính thức biên soạn SGK chỉ có thể thực hiện từ sau ngày 26/12/2018, sau khi đã ban hành chương trình.   

Thu Hương

    nguồn; daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ