A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xét giáo viên dạy giỏi: Tiêu chí sẽ thay đổi ra sao?

08:06 | 08/04/2019

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, vừa hoàn thành dự thảo về việc chuyển từ thi sang xét để công nhận giáo viên giỏi, thông qua các tiêu chí cốt lõi gắn với giáo dục.

Vẫn còn nhiều băn khoăn giữa việc thi hay xét giáo viên dạy giỏi.

Dẫu thế, tại tọa đàm về việc công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi trong bối cảnh hiện nay-  vừa được Bộ GDĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra giữa việc nên thi hay nên xét giáo viên dạy giỏi; nếu xét thì bộ tiêu chí sẽ xây dựng ra sao? 

Băn khoăn định tính -  định lượng

Theo phân tích của nhiều giáo viên tại tọa đàm, Bộ muốn giảm áp lực cho giáo viên bằng cách giảm những kỳ thi. Nhưng nếu chuyển sang hình thức xét công nhận, giáo viên vẫn sẽ phải mất nhiều thời gian chuẩn bị các minh chứng và hồ sơ. Những điều này có thể mất thời gian không khác gì việc chuẩn bị các tiết dạy như trước đây. Cùng với đó, nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên bày tỏ băn khoăn nếu sử dụng điều kiện “được học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm” khi xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, thì tiêu chí này liệu sẽ được lượng hóa ra sao? Làm thế nào để tránh tín nhiệm cảm tính, tránh giáo viên có thêm áp lực mới từ phụ huynh, học sinh? 

Bà Trần Thị Hải Yến- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận xét các tiêu chí đánh giá trong dự thảo đủ, nhưng rất khó thực hiện. Việc xét công nhận giáo viên giỏi chắc chắn phải rơi vào cuối năm, trong khi cuối năm là thời điểm rất bận rộn với xét danh hiệu chiến sĩ thi đua, xét mức đạt chuẩn của giáo viên, cán bộ quản lý... nên không thực sự thích hợp. Với kinh nghiệm nhiều năm quản lý hội thi giáo viên dạy giỏi, bà Yến đánh giá dù có một số mặt trái đã được dư luận chỉ ra, hội thi mang lại những lợi ích không thể phủ nhận. Một trong số đó là cơ hội sinh hoạt chuyên môn trên diện rộng. 

Còn theo ông Trần Đức Cường - Trưởng phòng GDĐT huyện Đông Hưng (Thái Bình), hình thức thi giáo viên giỏi như hiện nay đang làm, dù có những nhược điểm đã được chỉ ra, nhưng có những ưu điểm là đánh giá được khá toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác và lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể (nhất là cuộc thi cấp huyện, cấp thành phố). Ông Cường bày tỏ băn khoăn rằng, hình thức xét tuyển giáo viên  giỏi sẽ xét được cả một quá trình, tìm ra giáo viên dạy giỏi, hiệu quả, nhưng dự kiến tiêu chí giáo viên giỏi phải được “học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm” sẽ được lượng hóa thế nào? Ai sẽ lấy tín nhiệm của phụ huynh và học sinh? Tổ chức thông qua hình thức nào? Do đó, chủ trương xét giáo viên dạy giỏi là rất tốt, nhưng thực hiện thế nào để phù hợp và khả thi cần bàn tính cụ thể.

Ngoài ra, theo các ý kiến phân tích tại tọa đàm, nếu quy định tỉ lệ giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường giới hạn ở mức không quá 15% sẽ không phù hợp vì như vậy sẽ bị giới hạn đối với những trường có số lượng giáo viên giỏi nhiều…; Việc xét tuyển tức là đánh giá một quá trình dạy học/giáo dục học sinh của giáo viên sẽ thú vị hơn đánh giá một, hai giờ dạy. Nhưng điều quan trọng là phải định lượng tiêu chí đánh giá cụ thể và giáo viên có thể minh chứng dễ dàng; hồ sơ không quá nặng nề, nhưng cần minh chứng xác thực hiệu quả làm việc của giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm.

Cần đảm bảo khách quan 

Ngoài những ý kiến ghi nhận tại tọa đàm, hiện tâm tư chung của nhiều giáo viên là tiêu chí  đánh giá làm sao phải thực khách quan. Bởi mỗi một cách làm đều có những mặt ưu/nhược điểm. 

Đơn cử như quan điểm của thầy giáo Trần Mạnh Tùng- Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Trước mắt, cần giảm áp lực cho giáo viên và hướng đến cách đánh giá tích cực, công bằng. Bởi thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay thiếu khách quan, không thực chất, là biểu hiện rõ ràng của bệnh thành tích trong giáo dục. Các cuộc thi này, nếu miễn cưỡng kéo dài sẽ phản tác dụng, gây thiệt thòi cho học sinh, ức chế cho giáo viên và tốn kém cho xã hội. Việc chuyển từ thi sang xét giáo viên dạy giỏi là tích cực, chứng tỏ Bộ GDĐT đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của giáo viên, của các chuyên gia để hướng đến cách đánh giá phù hợp hơn. Tuy nhiên để làm tốt việc này, cần rất nhiều sự chuẩn bị về bộ tiêu chí, về cách làm, cần có thời gian. Để đảm bảo khách quan, cần một tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập, có đủ tư cách pháp lý và trình độ chuyên môn, hoạt động độc lập với Bộ GDĐT, tương tự như các tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh như Toeic, Toefl hay tin học… Tổ chức kiểm định sẽ đánh giá cả quá trình gồm nhiều mặt của giáo viên, từ trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức, sự tiến bộ của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và của xã hội. 

Trước những băn khoăn nêu trên, TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phân tích: Theo tinh thần của công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, thi hoặc xét đều nhằm mục đích phát hiện, tôn vinh các thầy cô nhằm tạo sự lan tỏa tạo động lực cho các thầy cô phấn đấu cống hiến trong ngành. Mục đích của ngành là giảm áp lực nhất, nhưng vẫn nhằm tôn vinh cống hiến với nghề nghiệp hiệu quả nhất mà nhẹ nhàng nhất có thể. Song không có nghĩa là giản đơn đến mức xuề xòa, không phân minh được chất lượng; mà phức tạp hơn lại càng không có.

Ông Minh khẳng định: Tới đây, ý kiến của thầy cô sẽ được tiếp thu một cách có chọn lọc để xây dựng dự thảo công nhận giáo viên giỏi. Các khung sườn điều kiện công nhận giáo viên giỏi đưa ra trao đổi vừa rồi mới chỉ là những nội hàm. Trên tinh thần đó, ngành cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ “chuẩn nghề nghiệp” một cách công phu.

Minh Quang

    nguồn; daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ