A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyển đổi biên chế, khắc phục thiếu giáo viên mầm non

14:51 | 17/04/2019

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, ngành Giáo dục đã triển khai chuyển đổi biên chế các vị trí việc làm khác sang biên chế giáo viên.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những giáo viên được chuyển đổi cũng đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Có duyên” làm cô giáo

Với gần 40 trẻ/lớp làm cho phòng học tại Trường mầm non Hoa Mai ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) của cô Lê Thị Thu Hiền trở nên chật chội. Trẻ ngồi hàng phía sau rất khó quan sát giáo viên. Cô giáo thì xoay chuyển liên tục vẫn không thể bảo đảm cho tất cả các trẻ quan sát cô hướng dẫn hoạt động. Với một giáo viên kinh nghiệm lâu năm thì để quản lý lớp học đông như vậy đã là khó khăn, nên với cô Hiền, một giáo viên mới lại càng khó khăn gấp bội. Cô Hiền vốn là nhân viên văn thư kiêm thủ quỹ tại một trường THCS trên địa bàn nhưng từ năm học 2018-2019 đã trở thành giáo viên của Trường mầm non Hoa Mai.

Nhiệm vụ mới, mọi thứ đều mới và cần phải học hỏi nhiều nhưng cô giáo Hiền vẫn rất vui vì mình “có duyên” khi được đứng lớp giảng dạy. Công tác tại trường THCS từ nhiều năm, cô Hiền cũng đã tranh thủ thời gian học thêm lớp sư phạm mầm non, chủ yếu là để biết thêm về nghiệp vụ mà mình từng đam mê. Đến năm 2018, khi biết thông tin là huyện đang thiếu rất nhiều giáo viên mầm non, cô Hiền đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định đăng ký xin chuyển qua làm giáo viên.

Mới tiếp nhận vai trò giáo viên, cô Lê Thị Thu Hiền ở Trường mầm non Hoa Mai, xã Đắk Ha luôn nỗ lực học hỏi, khắc phục khó khăn trong đứng lớp

Cô Hiền tâm sự: “Mặc dù đã được học nghiệp vụ sư phạm nhưng ban đầu chuyển qua dạy cũng rất khó khăn. Trẻ dân tộc thiểu số nhiều nên rất khó khăn để làm quen với tiếng Việt. Có những ngày về rất mệt và mất luôn giọng. Nhưng cứ nghĩ đến trẻ có thể phải nghỉ học nếu không có giáo viên thì tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi cố gắng học hỏi đồng nghiệp, áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với trẻ trong vùng”.

Theo thống kê, huyện Đắk Glong hiện thiếu trên 320 biên chế giáo viên. Để khắc phục tình trạng trên, huyện thực hiện phương án chuyển đổi biên chế nhân viên sang biên chế giáo viên được 17 người. Một số trường mầm non nhờ đó đã nhận thêm được số lượng trẻ đến trường.

Dần yêu nghề mến trẻ

Tại Trường mầm non Hoa Sen ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa), cô giáo Hoàng Thị Ánh Nguyệt miệt mài dạy múa hát cho trẻ. Vì phụ trách lớp nhỏ nên sau giờ múa hát, cô cùng một giáo viên khác giúp trẻ vệ sinh cá nhân để ăn bữa trưa. Từng chiếc khăn ướt được giặt sạch, để riêng để lau cho từng trẻ. Nhìn cách dạy và chăm sóc trẻ mê say của cô Nguyệt có lẽ không ai nhận ra cô từng là nhân viên thủ quỹ của trường.

Cô Hoàng Thị Ánh Nguyệt ở Trường mầm non Hoa Sen, xã Quảng Thành (TX. Gia Nghĩa) càng ngày càng yêu nghề hơn

Năm học 2017-2018, trường gặp khó khăn vì thiếu giáo viên đứng lớp, bị chậm tiến độ thực hiện đạt chuẩn quốc gia. Trên tinh thần tự nguyện, cô Nguyệt đã đăng ký đi học chuyển đổi từ biên chế nhân viên sang giáo viên. Cô tâm sự: “Ban đầu chưa quen nên vất vả lắm, cả ngày gần như hoạt động liên tục, hết dạy đến chăm sóc trẻ, làm vệ sinh hành lang, lớp học... Riêng về chuyên môn, tôi được ban giám hiệu và đồng nghiệp hỗ trợ rất tích cực nên dần tự tin, càng dạy càng thấy cái lý thú của một cô giáo mầm non. Thấy trẻ khỏe mạnh, tích cực tham gia các hoạt động là niềm vui lớn nhất đối với tôi”.

 

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh thiếu khoảng trên 1.000 biên chế; trong đó biên chế giáo viên mầm non thiếu khoảng trên 830 người. Ðể hạn chế tình trạng thiếu giáo viên, toàn tỉnh đã triển khai chuyển đổi được khoảng trên 60 biên chế nhân viên sang giáo viên. Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục sắp xếp, tính toán và động viên một số nhân viên học chuyển đổi nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu thiếu giáo viên ở các trường.


Theo bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa, hiện nay thị xã đã thực hiện chuyển đổi được 6 nhân viên thành giáo viên và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục chuyển đổi thêm 17 người nữa nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Nhân viên chuyển đổi chủ yếu là các thủ quỹ, kế toán ở trường học.

Ngoài thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, các địa phương khác hiện cũng đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi biên chế nhân viên sang giáo viên.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

 

    nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ