A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có tồn tại ngoại lệ, 'vùng cấm'?

14:29 | 23/04/2019

Danh tính những cán bộ ngành giáo dục vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở các địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã được công khai,...

...các thí sinh nằm trong diện được nâng điểm THPT quốc gia 2018 cũng đang dần bị các trường buộc thôi học, trả về địa phương.

Duy chỉ có các phụ huynh “chạy” điểm cho con, mà đa số người trong số họ là cán bộ, công chức có người là cán bộ chủ chốt ở địa phương, cho đến nay vẫn chưa bị xử lý, hoặc “đợi” xử lý. Điều này  khiến dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu có hay không những ngoại lệ, nhưng “vùng cấm” trong việc xử lý sai phạm thi THPT quốc gia?

Sáng 22/4 tại cuộc họp góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự quan tâm tới quản lý giáo dục, bởi đây là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Bối cảnh của nó là có nhiều cán bộ vi phạm các giá trị của giáo dục, lợi dụng quyền hạn để làm những điều trái với giáo dục…

Liên quan đến những sai phạm nâng điểm thi THPT quốc gia, những ngày qua, nhiều ý kiến cùng cho rằng vụ việc này rõ ràng có phần trách nhiệm rất lớn trong quy chế tổ chức, kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục. Nhưng xét một cách khách quan, chính bản thân, gia đình các cán bộ lãnh đạo các địa phương đã không gương mẫu, không làm gương cho người khác. Điểm danh tại Sơn La, những phụ huynh có con được nâng điểm đang công tác trong các ngành công an, quân đội, giáo dục, ngân hàng, thuế… Điều đáng nói là những phụ huynh có con được nâng điểm, khi được hỏi đều phủ nhận việc đi mua, đi xin, hay dùng quyền lực để tác động, nhờ nâng điểm cho con. Nếu đúng như những gì các bậc phụ huynh chia sẻ, lẽ nào điểm của con các cán bộ này được các đối tượng nâng vô điều kiện? Vậy tại sao con em của những gia đình thường dân lại không được nâng điểm một cách ngẫu nhiên như thế?

Trước khi danh tính của thí sinh và phụ huynh có con được nâng điểm dần lộ diện, nhiều chuyên gia giáo dục, rồi đại biểu Quốc hội cũng đều bày tỏ quan điểm cần phải xử lý thật nghiêm những cán bộ, đảng viên “chạy” điểm cho con. Cần phải xử lý làm gương để sự việc này không còn tái diễn. Bởi vụ việc gian lận điểm thi THPT 2018 không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng, có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…

Đặc biệt, nó tạo nên hình ảnh rất xấu về đội ngũ cán bộ công chức khi danh sách những người được công bố đều là người nắm giữ các vị trí trong các cơ quan công quyền của một tỉnh. Việc lấy lại niềm tin của người dân cũng không hề đơn giản khi có những người là cán bộ trong ngành giáo dục, công an, đang làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, nắm rõ nhất quy chế tuyển sinh lại chính là những người vi phạm.  

Mặc dù các cơ quan chức năng đang vào cuộc, tuy nhiên hướng xử lý ra sao đối với phụ huynh các thí sinh được nâng/ mua điểm lần này đang là vấn đề làm nóng dư luận. Bởi nó không còn là câu chuyện gian lận điểm thi, mà đang trở thành  vấn nạn tiêu cực học đường đáng báo động. Các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc như thế nào để chống lại nạn gian lận thi cử mang tầm quốc gia- đây là vấn đề đang được người dân cả nước hết sức quan tâm. 

Trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) cùng có chung quan điểm: Thí sinh/phụ huynh gian lận điểm thi, dù là ai, giữ chức gì cũng phải công khai danh tính. ĐBQH Mong Văn Tình (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: Phải công khai để đảm bảo tính răn đe dù bố mẹ các thí sinh này là ai, làm chức vụ gì, như thế mới đảm bảo công bằng cho các thí sinh học thật thi thật. Nếu những trường hợp chạy điểm, gian lận kỳ thi vừa qua là con của “ông to bà lớn” thì càng phải công khai để có hình thức xử lý thật nghiêm minh. Đó là vì một nền giáo dục văn minh.

Theo như dự kiến, ngày 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ có phiên họp kín để yêu cầu các Bộ liên quan giải trình về những vấn đề tiêu cực gian lận thi cử. Song chính điều này đang gây thắc mắc trong dư luận rằng tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm thì lại làm kín, trong khi yêu cầu chung của dư luận là cần sự công khai minh bạch. Phải chăng vì có liên quan đến cán bộ lãnh đạo của các địa phương nên phải thận trọng, chặt chẽ, kín kẽ? Trong khi thời điểm này chính là cơ hội tốt nhất để ngành GDĐT sửa sai và lấy lại niềm tin của người dân; minh bạch hóa, công khai hóa một kỳ thi mang tầm quốc gia theo đúng nghĩa. Vì lẽ đó, người dân mong muốn sẽ không có đối tượng nào vi phạm kỳ thi THPT quốc gia lại được nằm trong ngoại lệ, “vùng cấm”.    

Vi Cầm

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ