A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình GDPT mới: Cấp bách bồi dưỡng giáo viên

08:39 | 24/04/2019

Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), thời gian qua nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới đạt hiệu quả cao nhất.

Cô và trò.

Giáo viên cũng phải tự đổi mới

Cuối tuần qua Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) phối hợp với Sở GDĐT Thái Nguyên tổ chức hội thảo khoa học Chương trình GDPT mới và định hướng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đều có chung quan điểm về nhiệm vụ của người thầy giáo hôm nay đã thay đổi: thầy giáo không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành. Giáo viên không chỉ là người dạy học trên lớp học, một người làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức là chính, người cung cấp thông tin, mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình học của học sinh. 

Những thay đổi về vai trò, vị trí của người học và người dạy trong những hoàn cảnh biến đổi nhanh, phức tạp đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phải chuẩn bị cho các giáo sinh, những thầy giáo trong tương lai có khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới.

Đặc biệt sắp tới đây khi triển khai chương trình GDPT mới, vai trò của người thầy giáo càng được coi trọng, thậm chí như khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, thành bại của lần đổi mới này phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, đòi hỏi sự chuyển động tích của hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước.

Về phía các trường đào tạo giáo viên, đổi mới chương trình đào tạo, mở mới ngành đào tạo và xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra. 

Cụ thể, theo ông Nguyễn Hà Sơn – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GDĐT Thái Nguyên), trong quá trình thực hiện chương trình GDPT mới, cần tìm hiểu kỹ chương trình mới, kiến thức kỹ năng, mạch chương trình mới; cần làm rõ đâu là điểm kế thừa, khác biệt, đâu là những yếu tố đổi mới; các phương pháp dạy học, hình thức, kỹ thuật dạy học theo hình thức đổi mới phương thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; quan tâm đến phương pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng bậc học.

Từ đó, xây dựng và cập nhật thường xuyên chương trình bồi dưỡng giáo viên, phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trong quá trình bồi dưỡng, chú trọng những tiết dạy mẫu, hình ảnh minh họa. Bên cạnh đó, để tiết học sinh động và lôi cuốn học sinh, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học phù hợp với giáo viên dạy ở từng bậc học.

Đào tạo theo định hướng mở

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vì - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Để đạt hiệu quả tốt nhất, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần phải triển khai theo định hướng mở, kết hợp đào tạo ban đầu với đào tạo liên tục. Hiện nay việc đào tạo giáo viên của chúng ta mới chỉ quan tâm chủ yếu ở trường sư phạm, nghĩa là đào tạo ban đầu, các giai đoạn sau như tập sự, đến đào tạo tại chức để nâng cao bằng cấp và bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên tham gia vào các hoạt động xã hội…ít được quan tâm. Phương thức đào tạo khép kín truyền thống này đang bộc lộ những yếu tố không còn phù hợp với thời đại, đòi hỏi phải thay đổi mềm dẻo hơn. Không chỉ đào tạo ở trường mà còn đào tạo tại trường phổ thông, đào tạo từ xa; gắn kết với trường phổ thông, với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục. Để thực hiện được điều này cần đổi mới về nội dung chương trình đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp tục nâng cao trình độ đào tạo theo hướng đại học hóa.

“Vấn đề kết hợp đào tạo ban đầu với đào tạo liên tục  thực chất là  đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ”- PGS.TS Nghiêm Đình Vì nhận định. Về vấn đề kinh phí bồi dưỡng, ông Vì đề xuất cần hoàn thiện chế độ tập huấn bồi dưỡng giáo viên, dự trù kinh phí thường xuyên, đưa kinh phí bồi dưỡng giáo viên vào dự toán của chính quyền. Thời  gian thực hiện có thể là 1 năm hay 3 năm một lần tập huấn cho toàn thể giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và năng lực dạy học cho giáo viên...  

Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, việc đào tạo giáo viên ở trường sư phạm phải gắn với thực tiễn trường phổ thông. Công tác bồi dưỡng giáo viên cũng tương tự, đó là cập nhật các xu thế, đòi hỏi mới của thời cuộc, cụ thể là của chương trình GDPT mới để triển khai chứ không thể tập huấn, bồi dưỡng cho có còn thực tế áp dụng vẫn y nguyên như cũ.    

Thu Hương

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ