A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bỏ thi sang xét giáo viên giỏi: Cần một bộ tiêu chí hợp lý

09:00 | 26/04/2019

Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc “chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới”,...

...nhưng đã đến lúc phải thay đổi hình thức, bản chất của hội thi giáo viên giỏi trong thời gian qua.

Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng bộ tiêu chuẩn với những tiêu chí hợp lý, khoa học; cùng với đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh như thế nào để công bằng, khách quan.

Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Ảnh minh họa. 

Sai ở chỗ “luyện thi giáo viên giỏi” 

Nhìn lại việc công nhận giáo viên dạy giỏi qua những hội thi đang được duy trì hiện nay, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ưu điểm rõ ràng của cách làm này là lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể. Qua đó, đánh giá được khá toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác, từ đó thúc đẩy mọi giáo viên cần phải nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, tiếp cận học sinh…

“Bản thân việc thi để công nhận giáo viên giỏi không có gì sai. Vì chạy theo bệnh thành tích nên thành ra ganh đua nhau, tạo ra tiêu cực mới thành ra sai. Trong điều kiện hiện nay, bỏ thi là đúng”- TS Lê Viết Khuyến đồng tình. 

Phân tích cụ thể, TS Khuyến cho rằng cũng như thi học sinh giỏi ở Việt Nam, thi giáo viên giỏi cũng có việc luyện “gà nòi” để đi thi. Đành rằng có thi là phải ôn luyện nhưng ôn luyện đến mức tập dượt 3, 4 lần một tiết dạy mẫu về cùng 1 nội dung cho học sinh để không xảy ra sai sót trong quá trình diễn ra hội thi thì không nên. Hoặc cẩn thận hơn, chỉ chọn những em học sinh khá giỏi tham gia lớp học còn những em khác thì báo phụ huynh cho nghỉ học ở nhà… là thực tế vẫn thấy ở nhiều địa phương. 

Chưa kể, mỗi giáo viên được chọn đi thi không chỉ là thành tích của cá nhân mà còn liên quan đến thành tích của đơn vị tập thể. Dự thi vì màu cờ sắc áo nên áp lực phải đạt giải khiến cả cô và trò đều phải diễn và cố gắng diễn tròn vai, diễn đạt nên có những tâm sự rất thật của giáo viên, ấy là “sợ khi được cử đi thi giáo viên dạy giỏi”. 

Cần hội đồng xét tuyển công minh

Đồng tình với chủ trương của Bộ GDĐT là chuyển từ thi sang xét giáo viên giỏi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng hiện nay việc đánh giá học sinh đã chuyển sang đánh giá cả quá trình học, nên đối với giáo viên cũng cần đánh giá suốt một năm học thay vì trình diễn một vài tiết dạy. 

Trong đó, cần quan tâm đến bộ tiêu chí sẽ áp dụng để đánh giá giáo viên ra sao? Theo đó, để đánh giá giáo viên cần hai tiêu chí là chuyên môn và nghiệp vụ, trong đó có phần chuyên môn dạy và phương pháp dạy học sinh có hiểu bài không, có hào hứng với giờ học không… Về nghiệp vụ, giáo viên hiện nay không chỉ là “thợ dạy” mà còn có vai trò tư vấn, định hướng đối với học sinh. Người thầy cô được các em tín nhiệm, quý trọng thì chắc chắn tâm lý sẽ thoải mái để tiếp thu bài học hơn… Chính vì vậy, trong dự thảo xét giáo viên dạy giỏi đang xây dựng mà Bộ GDĐT đưa ra có phần lấy phiếu tín nhiệm phụ huynh và học sinh là cần thiết.

Trước những băn khoăn của dư luận, liệu có lo ngại sự đánh giá cảm tính từ phía học sinh hay không khi làm phiếu khảo sát, nhất là nếu những thầy cô nghiêm khắc nhưng dạy tốt thì sẽ thiệt thòi, TS Lê Viết Khuyến cho rằng tính cảm tính ở đây sẽ thể hiện rất rõ là giờ học của thầy cô có thực sự tạo cảm hứng, động lực cho học sinh hay không chứ không hẳn là cô giáo đó dạy dễ hiểu, khó hiểu hay dạy bình thường. 

“Lấy phiếu khảo sát từ phụ huynh và học sinh sẽ chỉ là một thành phần trong bộ tiêu chí. Điều tôi quan tâm hơn, đó là hội đồng xét tuyển giáo viên giỏi gồm những ai, có công minh hay không? Bởi nếu chỉ căn cứ trên hồ sơ, sổ sách giấy tờ làm minh chứng thì sẽ khiến áp lực sổ sách nặng nề. Còn nếu nói minh chứng là sự tiến bộ của học sinh thì khá khó. Vì cô giáo A được phân công dạy ở lớp chọn, có chủ yếu là học sinh học tốt, hạnh kiểm tốt chưa chắc đã bỏ nhiều công sức hơn so với giáo viên B nhận lớp học có nhiều học sinh lực học trung bình yếu, học sinh quậy phá hơn… nhưng đến cuối năm, chắc chắn học sinh lớp cô A sẽ có thành tích học tập tốt hơn học sinh lớp cô B…”- TS Lê Viết Khuyến phân tích. 

Từ đó, TS Khuyến cho rằng cần một hội đồng thật sự công tâm, khách quan để thực hiện việc xét công nhận giáo viên giỏi, tránh thiệt thòi cho những giáo viên nỗ lực nhưng lại không được tôn vinh xứng đáng.     

Theo TS Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), trong dự thảo về việc chuyển từ xét sang thi giáo viên dạy giỏi, minh chứng cho việc dạy giỏi sẽ có những tiêu chí cụ thể, cốt lõi. Do có nhiều vùng miền, ngay một trường đã nhiều sự khác biệt nên trong dự thảo tới đây, sẽ có Thông tư (những vấn đề cốt lõi nhất tạo khung thực hiện) và cả văn bản hướng dẫn, đề xuất, gợi ý tình huống để từng trường nhìn vào có thể linh hoạt, chủ động thực hiện. 

Về các tiêu chí, ông Minh cho rằng đưa ra việc lấy phiếu tín nhiệm của phụ huynh không phải là để phụ huynh đánh giá giáo viên mà là “tín nhiệm”. Môi trường giáo dục gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Theo nghĩa rộng giáo dục của cả giảng dạy và giáo dục. Như vậy để một giáo viên dạy giỏi,chủ nhiệm giỏi thì họ có nhiều hoạt động làm việc với phụ huynh. Cần thêm những ý kiến góp ý về bộ tiêu chí để việc xét công nhận giáo viên giỏi đúng, đủ, đảm bảo tôn vinh được đúng người xứng đáng. Dự kiến, ngành giáo dục cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ “chuẩn nghề nghiệp” một cách công phu.

Thu Hương (ghi)

    nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ